19/01/2025 | 10:06 GMT+7, Hà Nội

Nhất quyết đừng làm những điều này khi đi đổ xăng!

Cập nhật lúc: 04/07/2016, 07:29

Phần lớn các chuyên gia đều khuyên tài xế tắt máy khi đổ xăng và tại các trạm xăng thì biển cấm sử dụng điện thoại di động là điều không thể thiếu. Vậy nguyên nhân gì khiến chúng ta phải tuân thủ theo các quy tắc này?

Tắt máy khi vào trạm xăng

Lời khuyên của các chuyên gia là bạn hãy tắt máy khi đang đổ xăng. Và cách tốt nhất là khi tới trạm xăng hãy tắt máy ngay. Đối với xe máy, thì sau khi đổ xăng, dắt xe cách trạm đổ xăng khoảng 5m hãy nổ máy chạy.

Nguyên nhân là do:  Khi vào trạm xăng, lượng xăng từ vòi sẽ chiếm chỗ phần hơi xăng trong bình do đó hơi xăng có thể ra ngoài không khí, đặc biệt là trong những ngày thời tiết khô, hanh.

Nếu để máy xe nổ liên tục trong quá trình đổ xăng khiến nhiệt độ động cơ, hệ thống truyền động nóng lên, kết hợp với tia lửa điện  khi máy đang hoạt động dẫn tới cháy nổ.

 Đừng quên tắt máy khi đang đổ xăng

Theo khuyến cáo của Viện dầu khí Mỹ API, tài xế cần nhớ rõ 3 quy tắc khi vào trạm xăng là tắt máy, không hút thuốc hoặc sử dụng tia lửa sống và không được vào xe nếu đã bước ra ngoài cho tới khi tiếp nhiên liệu xong.

Lý giải cho điều này, bên cạnh nguy cơ cháy nổ khi để động cơ hoạt động như ở trên, API cho biết cơ thể có thể tích điện khi người lái trở lại vào xe rồi bước ra cầm vào vòi phun xăng, dẫn tới xăng bắt và cháy nổ.

Điều này cũng tương tự cho những người ngồi trên xe, không nên ra ngoài suốt quá trình đổ xăng, nếu cần thiết phải ra hãy chạy tay vào bộ phận kim loại nào đó của xe rồi mới mở cửa bước ra ngoài.

Còn có một số lưu ý khác mà chúng ta đặc biệt phải nhớ khi đổ xăng:

Không sử dụng điện thoại

Điều này có nghĩa là bạn cần nói không với việc nghe, gọi, nhắn tin, hay thậm chí mở điện thoại ra để... xem giờ bởi điện thoại di động có thể biến thành mồi lửa và gây ra những vụ cháy nổ không thể lường trước.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong tất cả điện thoại đều có chế độ rung. Chế độ rung này sử dụng 1 động cơ điện 1 chiều có chổi than, tuy rất nhỏ nhưng có thể phát ra tia lửa, trong trường hợp môi trường có nồng độ xăng cao thì đó chính là “ngòi nổ”.

Không hút thuốc

Đây là điều nhất thiết phải ghi nhớ bởi ngọn lửa thuốc dù rất nhỏ thôi nhưng có thể là nguồn cơn của một vụ cháy nổ bởi hơi xăng nếu bị rò rỉ có thể sẽ làm bùng lên ngọn lửa ngay tại trạm xăng và hậu quả vô cùng khôn lường.

Không tạo nguồn tích điện

Xăng rất dễ bốc hơi, do đó, nó là môi trường tiềm ẩn để nguồn điện tích có thể phát hỏa trong khoảng cách tiếp xúc đủ gần. 

Đồ dùng mang điện tích có mặt ở xung quanh bạn, khi rê chân trên thảm trải sàn hay thay quần áo trong mùa khô đều có tia điện phát ra. Hiện tượng nảy sinh khi 2 vật mang điện tích trái chiều ma sát vào nhau. Tuy không có hại trực tiếp đến cơ thể, song điện tích xuất hiện tại nơi bơm xăng có thể gây ra cả tấn thảm kịch.

Vì thế, nên hạn chế tạo nguồn tích điện khi có mặt tại trạm xăng bằng cách tránh tạo ma sát, không cho trẻ em nghịch các vật tạo ra tia lửa điện.