18/01/2025 | 18:01 GMT+7, Hà Nội

Nhà ở sinh viên giá rẻ: Hóa đơn điện nước hơn 3 triệu đồng

Cập nhật lúc: 08/01/2016, 23:30

Hóa đơn thu tiền điện nước tháng 10/2015 cao gấp 10 lần tháng trước liền đó khiến nhiều bạn ở khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ hiệp hoài nghi về độ chính xác.

Theo phản ánh của các bạn sinh viên đang ở tại phòng phòng 709, tòa nhà A6, khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội), hóa đơn thu tiền điện nước tháng 10/2015 của BQL của khu nhà ở có vấn đề. Số điện, nước của phòng 709 tăng đột biến so với tháng liền kề trước đó. 

Hóa đơn tiền điện nước tháng 10/2015 tại phòng 709, tòa nhà A6 khiến nhiều người giật mình. 

Theo đó, hóa đơn thu tiền điện nước tháng 9/2015 (tính từ ngày 4/9 đến 6/10) của phòng 709 là 356.000 đồng. Trong đó, tiền điện là 280.000 đồng, tiền nước là 76.000 đồng. 

Thế nhưng, hóa đơn thu tiền điện nước tháng 10/2015 (tính từ 5/10 đến 6/11) đã tăng gấp 10 lần tháng 9. Tổng tiền điện nước của phòng 709 phải đóng là 3.053.000 đồng. 

Cụ thể, hóa đơn thu tiền điện nước phòng 709 của phòng quản lý sinh viên thuộc BQL nhà ở sinh viên Pháp Vân có nêu rõ: số điện tiêu thụ trong tháng là 228 số, nhân với đơn giá 1.965 đồng thì thành số tiền là 449.000 đồng; 451 khối nước nhân với đơn giá là 5.773 đồng, thành tiền là 2.604.000 đồng. 

Phản ánh với chúng tôi, bạn Trần T.T.V bức xúc cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo thu tiền điện nước tháng 10, các thành viên trong phòng rất ngỡ ngàng với khoản tiền tăng cao. “Tôi đã phản ánh vấn đề này lên BQL tòa nhà để xem xét lại. Tuy nhiên, khi BQL xuống kiểm tra thì vẫn không có gì thay đổi”. 

Hóa đơn thu tiền điện nước tháng 9/2015 chỉ có 3

Hóa đơn thu tiền điện nước tháng 9/2015 chỉ có 356.000 đồng. 

Lý giải về việc hóa đơn điện nước tháng 10 này có vấn đề, bạn Trần T.T.V cho biết, trong 2 tháng 9, 10/2015, phòng 709 có 8 người ở, mọi người vẫn sinh hoạt và sử dụng các thiết bị điện, nước trong phòng như bình thường. 

“Tôi khẳng định, việc sinh hoạt sử dụng điện nước trong tháng 10 không khác nhiều so với tháng 9 trước đó. Việc số điện, nước tăng lên cao là có vấn đề gì đó. Tôi mong cơ quan chức năng làm rõ”. 

Cũng theo các thành viên trong phòng 709 cho biết, sau khi phản ánh sự việc lên BQL tòa nhà, đơn vị này đã cho người lên phòng kiểm tra các thiết bị điện, hệ thống đường ống, nước. Kết quả kiểm tra đều không phát hiện bất thường, rò rỉ nước nào. 

Liên quan tới vấn đề này, ngày 7/1, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Phúc Lợi, Trưởng Ban quản lý Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp cho biết, BQL đã tiếp nhận ý kiến phản ánh của các bạn sinh viên phòng 709 về hóa đơn thu điện nước cao đột biến và khẳng định không có sai sót gì trong phiếu thu điện nước này. 

“Đây là trường hợp đầu tiên và cũng là hi hữu xảy ra tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp này. Chúng tôi đã kiểm tra lại công tơ điện, đồng hồ nước và các thiết bị đang sử dụng trong phòng. Tuy nhiên, không phát hiện ra điều gì bất thường. Mọi thông số, tính toán trong hóa đơn thu tiền điện nước tháng 10 của phòng 709 đều chính xác”, ông Lợi nói. 

Công tơ điện...

Công tơ điện...

Đồng hồ nước đều được BQL khẳng định là ổn định và không sai sót.

Đồng hồ nước  của phòng 709 đều được BQL khẳng định là ổn định và không sai sót. 

Cũng theo ông Lợi cho biết, trong quá trình chốt số điện và nước đều có 3 đơn vị: phòng quản lý sinh viên, ban kỹ thuật, ban tự quản của tòa nhà thực hiện. Cùng với đó là sự chứng kiến của các bạn sinh viên phòng đó. 

Bên cạnh đó, nếu công tơ hỏng thì nó sẽ tăng trong tháng tới nhưng nó chỉ xảy ra trong một tháng đó. Như vậy, nó có tác động của người sử dụng, có nghĩa là tháng này các bạn dùng ít thì chỉ số ít, dùng nhiều thì chỉ số nhiều. Cho nên, tính trung thực ở đây là tuyệt đối. 

Phân tích về trường hợp này, ông Lợi cho hay: “Nguyên nhân chỉ số nước tăng đột biến ở đây do các bạn sinh viên trong quá trình sử dụng không cẩn thận. Buổi đêm 1-2 bạn còn thức, trong lúc đi vệ sinh các bạn nhấn nút xả nước bị kẹt, các bạn không để ý rồi để như vậy, đến sáng bạn khác vào sử dụng nó trở lại bình thường.

Chỉ cần một lần như vậy thì trong một đêm nó chảy cả trăm khối nước là chuyện bình thường. Đây cũng là sự cố nhiều hộ gia đình từng gặp ở nơi khác”. 

Chia sẻ về cách giải quyết sự việc này, ông Lợi nói: “Tiền điện nước thì BQL chỉ thu hộ, số tiền thu được phải đóng về nhà máy nước. BQL không thể khấu trừ cho các bạn sinh viên được vì vậy bây giờ ban quản lý cho các bạn sinh viên đóng dãn thời gian trong 4 tháng, mỗi tháng 8 bạn đóng thêm 100.000 đồng để kết thúc số tiền đấy”. 

“Qua sự việc này, BQL tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền tới tất cả các bạn sinh viên trong khu nhà ở sinh viên này để mọi người chú ý và có ý thức hơn trong việc sử dụng các thiết bị trong phòng để tránh xảy ra sự việc như trên”, ông Lợi bày tỏ. 

Được đầu tư hiện đại nhưng khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp này vẫn chưa được nhiều sinh viên

Được đầu tư hiện đại nhưng khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp này vẫn chưa được nhiều sinh viên "mặn mà" bởi nhiều lý do. 

Được biết, khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp được Chính phủ giao cho UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 40.000m2 trong Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. 

Được hoàn thành với những khu nhà cao tầng khang trang, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại, trang thiết bị nội thất tiện nghi; môi trường học tập và sinh hoạt tốt, an ninh trật tự đảm bảo, chăm sóc sức khỏe y tế và cung cấp các dịch vụ an toàn với chi phí vừa phải; điều kiện sinh hoạt văn hóa, giải trí phong phú, được giao lưu học hỏi và tham dự các hoạt động tập thể là nền tảng tốt cho quá trình làm việc sau khi ra trường. 

Đây là mô hình nhà ở cho sinh viên mang tính tiên tiến, hiện đại được áp dụng và đã chứng minh hiệu quả tốt ở các nước phát triển./.