Nhà hàng Món Huế có dấu hiệu gian lận thương mại khi không xuất hóa đơn cho khách hàng!
Cập nhật lúc: 11/04/2019, 01:00
Cập nhật lúc: 11/04/2019, 01:00
Vẫn liên quan đến việc khách hàng bức xúc "tố" Nhà hàng món Huế giá thành "tỉ lệ nghịch" với chất lượng dịch vụ, ngoài vấn đề liên quan đến thái độ, dịch vụ thiếu chuyên nghiệp của nhà hàng món Huế (chi nhánh TTTM Ecolife Capitol, Nam Từ Liêm, Hà Nội), việc nhân viên tại nhà hàng này không xuất hóa đơn cho khách hàng không chỉ đơn giản là liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng mà việc này còn liên quan trực tiếp đến sự minh bạch trong hoạt động tài chính của hệ thống nhà hàng món Huế.
Trả lời về vấn đề này, ông Trần Văn Linh - đại diện nhà hàng món Huế cho biết đây là trường hợp hy hữu, sau khi báo chí phản ánh đã xử lý kỷ luật nội bộ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phản hồi 1 chiều từ phía doanh nghiệp. Lượng khách của nhà hàng món Huế là khá đông, nếu một ngày xảy ra vài "trường hợp hy hữu" như trên thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự chính xác trong việc kê khai thuế nộp cho Ngân sách Nhà nước, đồng thời, sẽ bị coi là có hành vi gian lận thương mại nếu không xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế đã từng cho biết trên tờ Thời báo tài chính Việt Nam, hóa đơn là căn cứ để quản lý thuế, để xác định doanh thu của người bán hàng, để kiểm soát chi phí của doanh nghiệp mua hàng; nếu trong giao dịch thường ngày, người bán không xuất hóa đơn, giao dịch đó không được ghi nhận vào doanh thu bán hàng, nên Nhà nước không thu được thuế. Đó là chưa tính tới nhiều trường hợp, đã có các cá nhân, đơn vị lợi dụng điều này để mua hóa đơn, hợp thức hóa chi tiêu ngân sách nhà nước.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 20 cũng đã quy định rất rõ ràng: “1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng. 2. Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu quy định tại khoản 1 điều này”.
Sự việc của chị Vi nói trên mới chỉ là một trường hợp khách hàng phát hiện ra, nếu khách hàng không phản ánh thì sẽ còn bao nhiêu khách hàng khác gặp phải trường hợp tương tự như vậy ? Pháp luật Việt Nam đã quy định rất rõ ràng, theo quy định tại khoản 4, Điều 38 Nghị định 109/2013/NĐ-CP về sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: b) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định. Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua."
Chính vì vậy, việc nhà hàng món Huế không xuất hóa đơn cho khách hàng là làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng và nếu việc này không dừng lại ở "trường hợp hy hữu" thì nó sẽ còn ảnh hưởng gián tiếp tới nguồn thu của Ngân sách nhà nước cũng như môi trường kinh doanh nói chung.
Để tránh gặp phải những sự cố như trên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn LS TP HCM) đã từng góp ý trên báo PLVN, ngoài việc ngày càng hoàn thiện về mặt pháp luật để chống, xử lý hành vi Gian lận thương mại, người dân cần yêu cầu Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) bảo vệ quyền lợi cho mình.
Trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống nói chung, có một thực tế là việc bán hàng nhưng không xuất hóa đơn diễn ra khá phổ biến. Trước thực trạng đó, ngành Thuế đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm; chỉ đạo các cán bộ thuế tiến hành rà soát tờ khai thuế theo tháng, theo quý. Khi thấy có dấu hiệu rủi ro, cán bộ thuế sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình và kiểm tra đột xuất để ngăn chặn ngay.
Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý vi phạm nếu có.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.
Đây không phải lần đầu tiên nhà hàng món Huế bị "tố" liên quan đến vấn đề "mập mờ" bảng giá, chi phí thanh toán. Trước đó, báo Pháp luật Việt Nam điện tử đã đăng tải thông tin liên quan đến phản ánh của khách hàng, hầu hết giá của các món trên hóa đơn đều cao hơn giá niêm yết tại cửa hàng. Cụ thể, nước đậu nành có giá trong menu là 11.000 đồng, ghi trên hóa đơn là 17.000 đồng. Khi được hỏi, nhân viên tại quán giải thích rằng nhà hàng chưa kịp in bảng giá mới. Nước ổi ép 28.000 đồng trong khi giá tại thực đơn là 20.000 đồng. Tuy nhiên, đơn giá áp dụng mới nhất theo như nhân viên thông báo là 25.000 đồng, cộng thêm 10% là 27.500 đồng và đã được hệ thống phần mềm tính tiền tự động làm tròn số thành 28.000 đồng để thu tiền của khách hàng. “Chưa kịp in bảng giá mới”, “ hệ thống thanh toán bị lỗi”… là câu trả lời của nhân viên nhà hàng món Huế khi nhận được phản ánh của khách hàng về sự việc trên. Tuy nhiên, đây là những câu trả lời không nhận được sự hài lòng, chấp thuận từ phía khách hàng. |
05:00, 08/04/2019
22:14, 01/04/2019
11:01, 16/02/2019