19/01/2025 | 12:00 GMT+7, Hà Nội

Nhà đầu tư chứng khoán cần lưu ý gì trong năm 2022?

Cập nhật lúc: 12/02/2022, 06:10

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức cũng như cơ hội mới sau hai năm chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, điều đó sẽ có tác động trực tiếp tới thị trường chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp - chuyên gia chứng khoán, sau hai năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn và những lựa chọn của con đường phát triển trở lại. Sẽ có những ngành nghề, doanh nghiệp phải mất khá nhiều thời gian mới có thể phục hồi nhưng cũng có những đơn vị tận dụng được cơ hội để vươn lên. Do vậy, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn và thị trường chứng khoán là tấm gương phản chiếu cho nền kinh tế trong tương lai nên đây sẽ là kênh đầu tư có sự phân hóa rõ ràng nhất.

3 kịch bản cho thị trường chứng khoán trong năm 2022
3 kịch bản cho thị trường chứng khoán trong năm 2022

Việc bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế đã diễn ra trong đại dịch dù có những mặt tích cực nhưng hệ lụy lớn nhất để lại sẽ là lạm phát. Những vấn đề về lạm phát gây ra sẽ “thấm” dần trong nửa cuối năm 2022, kéo theo việc thị trường chứng khoán sẽ có vài thời điểm rơi vào nhịp điều chỉnh sâu và kéo dài.

Từ những lưu ý trên, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp đưa ra 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán trong năm 2022:

Kịch bản 1: Có đến 60% xác suất xảy ra là quý I và quý II/2022 sẽ khởi sắc. Chỉ số Vn-Index sẽ bứt phá mạnh mẽ, nhiều kỷ lục bị phá, con số 1.800 điểm có thể đạt được trong vòng 3 - 4 tháng tới đây, thanh khoản tiếp tục ở mức cao trên 30.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 7 thị trường sẽ rơi vào đợt điều chỉnh sâu và kéo dài bởi trong suốt 2 năm qua, dù có những thời điểm thị trường điều chỉnh sâu, nhưng chưa có một đợt điều chỉnh nào kéo dài tới 1 - 2 tháng.

Kịch bản 2: Nửa đầu năm 2022 chứng khoán có sự tăng trưởng tốt dù không quá thăng hoa và có thể chứng kiến điểm số vượt 1.650 điểm. Tuy nhiên luôn có những đợt điều chỉnh xen kẽ. Sau đó bắt đầu từ nửa sau của năm 2022 thị trường sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thanh khoản đi xuống. Dù có thể cuối năm có sự phục hồi đôi chút, nhưng Vn-Index đóng cửa dưới 1.550 điểm. Xác suất cho kịch bản này là 30%.

Kịch bản 3: Năm 2022 sẽ là một năm khó khăn của chứng khoán. Dù có những thời điểm Vn-Index đi lên, nhưng nhìn chung sẽ là một năm thất bại cho đa số nhà đầu tư. Thanh khoản rời xa, dòng tiền rút đi không chỉ làm suy yếu điểm số, mà còn là tác nhân bào mòn tài khoản nhanh chóng. Con số 1.500 điểm có thể là mơ ước của thị trường mà không thể đạt được trong năm nay. Vn-Index đóng cửa ở mức dưới 1.400 điểm. Xác suất cho kịch bản này là 10%.

Đưa ra khuyến nghị đầu tư, ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết, nhóm vật liệu cơ bản có nhiều triển vọng, nhưng điểm sáng trong nửa đầu năm là ngân hàng. Ngoài ra, những nhóm ngành như bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản, khu công nghiệp, logistic cũng sẽ hưởng lợi nhờ sự mất giá của đồng tiền.

Cũng đưa ra những nhận định về thị trường chứng khoán năm 2022, HSBC cho rằng chỉ số Vn-Index sẽ tiếp tục tăng trưởng lên mức 1.850 điểm nhờ năng lực thị trường cải thiện nhờ hệ thống công nghệ mới và vốn ngoại.

Ông James Estaugh, giám đốc khối dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, cho biết năm 2021 thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin tưởng rằng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong năm 2022.

Chuyên gia của HSBC cho rằng mặc dù mọi người đều có chung nhận thức thị trường cổ phiếu của Việt Nam là quá nhỏ để thu hút được các khoản đầu tư nước ngoài lớn, nhưng sự thật giá trị giao dịch bình quân ngày của thị trường đã tăng trưởng và tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục.

Tính chung cả năm, giá trị giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam bình quân đạt hơn 25.960 tỷ đồng/phiên (khoảng 1,13 tỷ USD) trong năm 2021, tăng 250% so với năm 2020, tương đương tăng khoảng 430 triệu USD. 

Trong khi đó, giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường Thái Lan là khoảng 2 tỷ USD/ngày, của Indonesia là 800 triệu USD/ngày, Singapore là 500 triệu USD/ngày và Philippines là 100 triệu USD/ngày.

Tính đến cuối năm 2021, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 39.000 tài khoản, tăng hơn 11% so với cuối năm 2020.

Những cải cách pháp lý và cải cách thị trường quan trọng trong năm 2021 là minh chứng cho thấy Chính phủ đã lắng nghe các phản hồi từ cộng đồng đầu tư nước ngoài. 

Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, lại đánh giá cao sự "bùng nổ" của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản giao dịch tăng đến 60% trong năm ngoái. Theo chuyên gia này, thị trường chứng khoán 2022 sẽ khởi sắc nhờ yếu tố tích cực và sự hồi phục trong nhiều lĩnh vực.

Chiến lược đầu tư của VinaCapital vẫn là xác định các cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, bao gồm ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính và bất động sản. Hiện cổ phiếu ngành ngân hàng chiếm đến 30% Vn-Index, bất động sản chiếm 23% và hàng tiêu dùng không thiết yếu chiếm khoảng 3%.

Cũng theo chuyên gia này, dù thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng đến 36% năm 2021 nhưng đã có sự phân hóa khá cao giữa các ngành và cổ phiếu, đây là thông tin vô cùng quan trọng với các nhà đầu tư trong năm 2022.

Nguồn: https://reatimes.vn/nha-dau-tu-chung-khoan-can-luu-y-gi-trong-nam-2022-20201224000009985.html