18/01/2025 | 09:58 GMT+7, Hà Nội

Nguy cơ tiềm ẩn từ việc trữ đông thực phẩm mùa dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 20/04/2020, 07:20

Thực phẩm là mặt hàng "đắt khách" nhất mùa dịch. Với tâm lý lo lắng, ngại tiếp xúc, nhiều người tiêu dùng có xu hướng mua đồ tích trữ, trữ đông mà không biết điều này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Mặc dù Lãnh đạo TP Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng "trấn an" người dân Thủ đô không cần lo lắng dự trữ lương thực, thực phẩm bởi nguồn cung hàng hóa là rất dồi dào, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở 1 số bộ phận. Do người dân lo lắng "quá mức", họ có xu hướng tích trữ đồ ăn, thực phẩm đông lạnh cho gia đình trong nhiều ngày để hạn chế việc tiếp xúc tại những nơi công cộng đông người bởi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Theo ghi nhận của PV, tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, lượng khách hàng mua sắm thực phẩm vẫn tăng mạnh. Các quầy rau, củ, quả, các quầy đông lạnh hay các quầy thực phẩm khô như mỳ tôm, xúc xích, bánh mỳ, sữa nhận được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng. 

Cuối tuần là thời điểm khá đông người dân đi mua sắm, dự trữ thực phẩm đông lạnh cho cả tuần (Ảnh: Vân Anh)

Chị T.P (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Đây là thời điểm "cách ly xã hội", cần hạn chế tiếp xúc tối đa ở những nơi đông người nên tôi phải chủ động lo sẵn đồ ăn cho gia đình trong thời gian ít nhất là khoảng 1 tuần với các thực phẩm đông lạnh dự trữ để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh".

Cùng trong tâm trạng lo lắng, chị L.K (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trước đây gia đình chị hay ra ngoài ăn hàng quán nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra, lệnh "giãn cách xã hội" được ban hành, cả nhà đều nghỉ làm việc trực tuyến nên phải chủ động mua dự trữ thức ăn bởi các quán ăn thời điểm này đều đang bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch.

Tái đông thịt đã rã đông, không chia phần thức ăn khi đông, đặt thức ăn nóng trực tiếp trong tủ đông,… là những sai lầm nhiều người thường mắc phải khi mua thực phẩm dự trữ, đặc biệt là trong mùa dịch.

Về vấn đề này, các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo, việc trữ đông thực phẩm lâu ngày đã là không nên, trữ đông sai cách có thể gây tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe. Không chỉ mất chất dinh dưỡng, thực phẩm đông lạnh để lâu còn tiềm tàng rất nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe. Việc để quá lâu dễ làm cho đồ ăn bị giảm chất lượng không những thế còn biến các thực phẩm đó thành nơi tích tụ những mầm mống gây bệnh, trong đó bao gồm các vi khuẩn, vi-rút, các chất độc hại.

Lo ngại dịch bệnh, nhiều người dân có xu hướng mua đỗ trữ đông, dự trữ thực phẩm (ảnh: Internet)

“Thực phẩm thường dùng để trữ đông trong tủ lạnh thường là thịt, cá, tôm, cua và thức ăn có nguồn gốc động vật vì những thực phẩm này nhiều đạm nên rất dễ bị phân hủy, ôi thiu nếu để bên ngoài. Theo bác sĩ tư vấn, phương pháp trữ đông an toàn là sau khi giết mổ gia cầm, gia súc xong phải bảo quản đông càng sớm càng tốt. Thời gian để ngoài môi trường kéo dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Tuy nhiên, trữ đông trong thời gian dài là không nên, đảm bảo nhất vẫn là các thực phẩm tươi sống” - Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết.

Theo một nghiên cứu khác về thực phẩm đông lạnh, nhất là thịt đông lạnh có nguy cơ chứa độc tố gây ung thư rất cao. Ngoài nguyên nhân do chất lượng thực phẩm kém, việc để đông lạnh quá lâu cũng khiến cho thực phẩm bị phân hủy và 'nhiễm' các chất độc gây ung thư. Nếu một thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn, ôi thiu cho vào trữ đông càng giúp ức chế vi khuẩn. Sau khi rã đông, vi khuẩn sẽ bùng phát mạnh mẽ gây ra nguy cơ ngộ độc cho người dùng.

Trả lời về vấn đề này, chuyên gia dinh dưỡng Vũ Thế Thành nhận định, điều đầu tiên cần phải làm rõ, có độc tố trước khi làm đông lạnh hay không. Với thịt cá đông lạnh, đó là sự biến tính protein trong quá trình cấp đông, nhất là trữ đông. Chẳng hạn -12 hay -14 độ C, thì myosin, một loại protein cơ thịt, sẽ kết tủa và trôi đi khi rã đông thịt, kéo theo các dưỡng chất khác. Hậu quả là độ ngọt thịt sẽ kém. Còn trong chất béo của thịt cá, sự oxid hóa vẫn xảy ra, nhưng rất chậm. Sự ôi dầu cũng tăng theo thời gian trữ đông. Do đó, thịt cá đông lạnh bỏ trong ngăn đá tủ lạnh không có nghĩa là có tuổi thọ vô tận.

Người tiêu dùng - chị L.N (Đống Đa, Hà Nội) cho biết về "trải nghiệm" đáng nhớ khi mua các thực phẩm đông lạnh, dự trữ: "Tôi cũng đã nghe những khuyến cáo về thực phẩm đông lạnh không tốt cho sức khỏe nhưng cho đến khi trực tiếp "trải nghiệm" tôi mới từ bỏ thói quen mua đồ trữ đông. Ngoài các loại thịt thì tôi có mua cả các thực phẩm ăn liền đông lạnh như khoai tây Lutosa, bảo quản ngăn đá như đúng hướng dẫn nhưng vì chủ quan thực phẩm đông lạnh để được lâu nên đến khi bỏ ra sử dụng, sản phẩm không biết là mốc hay lỗi do quy trình sản xuất nên tôi không dám sử dụng nữa.

Khoai tây đông lạnh Lutosa có điểm đen đáng ngờ, NCC cho biết là vỏ khoai...còn sót

Liên hệ với bộ phận kinh doanh, đại diện Công ty phân phối, họ gửi cho 1 công văn từ năm... 2019 và nói trường hợp này thi thoảng cũng vẫn xảy ra và vẫn đang tìm cách khắc phục. Mặc dù họ đã có thành ý đổi sản phẩm mới, giải quyết sự việc nhưng từ giờ tôi sẽ "cạch" các sản phẩm đông lạnh; đồ ăn tươi, chế biến ngay vẫn là an toàn nhất" .

Hàng đông lạnh mua về phải bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, chứ không phải để trong ngăn mát. Ở siêu thị, hàng đông lạnh fillet cá, tôm, lẩu hải sản, khoai tây… được để trong tủ lạnh dạng nằm, chứ không trong những ngăn làm mát (bày xúc xích, chả lụa…). Tốt nhất, người tiêu dùng nên đọc điều kiện bảo quản ghi trên nhãn - là những khuyến cáo thêm của chuyên gia Vũ Thế Thành.

Trên tinh thần thượng tôn người tiêu dùng, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cùng Chính phủ trong khoảng thời gian cả nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mang tới những sản phẩm chất lượng, phục vụ nhân dân, bởi đây là thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng, thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng cao, nếu để "lọt" các sản phẩm kém chất lượng ra thị trường thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Một số lưu ý khi dùng thực phẩm đông lạnh:

- Mua sản phẩm của các cơ sở có uy tín, có chứng nhận đảm bảo chất lượng.

- Không nên để thực phẩm đông lạnh quá lâu, tốt nhất nên dùng ngay sau khi mua về hoặc chỉ để 2 - 3 ngày, thức ăn để trong tủ đông thì không nên để quá 3 tháng và cần đảm bảo nhiệt độ bảo quản.

- Không rã đông thực phẩm ở nhiệt độ thường, thay vào đó, hãy rã đông bằng ngăn mát tủ lạnh.

- Không làm đông lại thực phẩm sau khi đã rã đông.