19/01/2025 | 13:33 GMT+7, Hà Nội

Nguy cơ thiếu điện vì không vận chuyển được than

Cập nhật lúc: 02/08/2015, 06:31

Đợt mưa lớn nhất trong lịch sử 40 năm ở tỉnh Quảng Ninh gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, gây lũ cục bộ làm chia cắt một số khu vực, đặc biệt là các mỏ than và đường vận chuyển than.

Từ ngày 25/7/2015 đến ngày 30/7/2015, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh có mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nghiêm trọng tại: Thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái; các huyện Vân Đồn, Hoành Bồ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà. Đây là đợt mưa lớn nhất trong lịch sử 40 năm ở tỉnh Quảng Ninh, gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, gây lũ cục bộ làm chia cắt một số khu vực, đặc biệt là các mỏ than và đường vận chuyển than.

Theo công văn số 3542/TKV-KDT ngày 28/7/2015 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện tại, các tuyến đường nội bộ từ các kho mỏ đến cảng bị ngập úng và sạt lở không thể vận chuyển được than.

Việc rót than tại các cảng và rót hàng chuyển tải tại khu vực Hòn Gai - Cẩm Phả để cấp than cho khách hàng cũng phải ngừng do mưa kéo dài liên tục, ảnh hưởng lớn nhất tới việc cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2.

Hiện, EVN có 10 nhà máy nhiệt điện đang sử dụng nguồn than của TKV, với tổng lượng than còn tồn ở kho là 722.500 tấn.

Trong đó, lượng than tiêu thụ cho một tổ máy phát điện chạy đầy tải lớn nhất là 6000 tấn/ngày đối với nhà máy Vĩnh Tân 2, 5000 tấn/ngày đối với nhà máy Duyên Hải 1. Các tổ máy của nhiệt điện Phả Lại 2, Uông Bí, Quảng Ninh cần 3.100 tấn/ngày chạy đầy tải, nhiệt điện Nghi Sơn, Hải Phòng cần 3.000 tấn than/ngày chạy đẩy tải mỗi tổ máy.

Nhiệt điện Phả Lại 1 cần tiêu thụ 1.500 tấn than/ngày chạy đầy tải tổ máy. Các nhà máy Mông Dương 1 chỉ tiêu thụ 700 tấn/than cho một tổ máy và Ninh Bình chỉ tiêu thụ 380 tấn than/ngày mỗi tổ máy.

Do công suất tổ máy lớn, việc thiếu than này sẽ ảnh hưởng lớn nhất tới Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2. Hiện, lương than trong kho, bao gồm cả than lót kho của Vĩnh Tân 2 chỉ đủ dùng cho một tổ máy chạy trong 4,5 ngày tới. Duyên Hải 1 chỉ có thể chạy 2 tổ máy trong 10 ngày. Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ đủ than chạy trong 7 ngày.

Các nhà máy Nghi Sơn, Phả Lại 1, Phả Lại 2 chỉ có thể chạy trong vòng 15 ngày. Nhà máy Ninh Bình đủ than chạy cho 16 ngày và nhà máy Uông Bí có thể cầm cự được 20 ngày.

Bảng ượng than đang trữ được tại kho các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN như sau:

Nhà máy

nhiệt điện

Lượng than hiện có trong kho và tại cảng nhà máy (tấn)

Lượng than tiêu thụ 1 tổ đầy tải 1 ngày (tấn)

Khả năng phát điện với lượng than hiện có trong kho nhà máy (ngày)

Uông Bí

58.200

3.100

1 tổ máy 330 MW trong 20 ngày

Quảng Ninh

65.500

3.100

Tổ máy 1 và 2 trong 7 ngày

Nghi Sơn

112.000

3.000

2 tổ máy trong 15 ngày

Hải Phòng

152.000

3.000

3 tổ máy trong 15 ngày

Phả Lại 1

92.000

1.500

8 lò/4 máy trong 15 ngày

Phả Lại 2

122.000

3.100

2 tổ máy trong 15 ngày

Ninh Bình

22.000

380

3 lò trong 16 ngày

Mông Dương 1

22.600

700

Đang chạy thử

Duyên Hải 1

97.000

5.000

2 tổ máy trong 10 ngày

Vĩnh Tân 2

25.000

(55.000 kể cả lót kho)

6.000

1 tổ máy trong 4,5 ngày

Để chia sẻ và giải quyết những khó khăn trong việc cung cấp than do điều kiện bất khả kháng về thời tiết, lãnh đạo TKV và EVN đã có cuộc họp khẩn bàn biện pháp phối hợp giải quyết.

Theo đó, trong những ngày tới, TKV sẽ tập trung khôi phục hệ thống đường giao thông trong khu vực Hòn Gai - Cẩm Phả để tiếp tục vận chuyển cấp than từ các mỏ ở khu vực này ra cảng, tập trung ưu tiên cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 với lượng than cấp đảm bảo bốc dỡ tối thiểu 5.000 tấn/ngày.

Ưu tiên tiếp theo là cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với lượng than cấp đảm bảo bốc dỡ tối thiểu 6.000 tấn/ngày.

Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia, EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thực hiện các phương án huy động thấp các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời với đảm bảo cung cấp điện và chỉ đạo các Tổng Công ty  phát điện tìm kiếm các nguồn cấp than để duy trì phát điện.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc cung cấp điện cho khách hàng, nhất là khu vực phía Nam vẫn sẽ được đảm bảo.

Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rất mong nhận được sự chia sẻ của quý khách hàng sử dụng điện, chính quyền và nhân dân các địa phương và kính đề nghị quý khách hàng thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý, tránh lãng phí, góp phần giảm sức ép trong vận hành hệ thống điện./.