27/11/2024 | 11:32 GMT+7, Hà Nội

Nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu

Cập nhật lúc: 18/12/2018, 23:30

Trước đây không lâu, với việc đầu tư thủy điện và nhiệt điện, nhiều người đã tính đến viễn cảnh chẳng còn bao lâu nữa Việt Nam sẽ là nước xuất khẩu điện. Tuy nhiên, nềm vui chưa thành hiện thực thì mới đây nhất, nguy cơ thiếu điện đã được chính người trong ngành đưa ra. Theo đó, điện sẽ bắt đầu thiếu từ năm 2021 – 2023 và đỉnh điểm sẽ là năm 2022. Tuy nhiên để giải được mối nguy này đang được coi là khá nan giải.

Mối lo rất gần

Đỉnh điểm của thiếu điện được dự báo sẽ rơi vào năm 2022 (Ảnh TL)

Theo tính toán của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng ở mức cao. Ngành điện cần phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. EVN cho rằng, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2003 - 2018, Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào vận hành 40 nhà máy điện với tổng công suất 20.586 MW.

Cũng theo Bộ Công thương, hiện nay tăng trưởng nguồn điện đã phát triển mạnh nhưng nguy cơ thiếu điện sẽ bắt đầu ngay trong những năm đầu tiên của giai đoạn 2020-2030. Giai đoạn đỉnh điểm của thiếu điện sẽ là năm 2022 đó là chưa kể tốc độ tăng trưởng phụ tải có thể tăng cao hơn so với dự báo. Hiện nay dự báo tăng trưởng mới đưa ra lộ trình phác thảo đến năm 2025. Nếu nền kinh tế phát triển mạnh, nhu cầu điện tăng cao hơn và dự án các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy điện ở hai trung tâm khí lớn là Ô Môn và khu vực miền Trung (Dung Quất và Chu Lai) đi vào hoạt động chậm thì khả năng thiếu điện còn trầm trọng hơn nữa. 

Hiện nay nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu và điều này đe dọa đến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhiều ý kiến của các chuyên gia ngành cho rằng, EVN đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo điện nói riêng cũng như đảm bảo an ninh năng lượng nói chung. Có một điều đáng lo hơn nữa là đến thời điểm này, các mục tiêu của Quy hoạch điện VII vẫn chưa đạt được trong khi đó nguồn năng lượng tái tạo cũng đang còn nhiều khó khăn cho dù khoa học công nghệ đang ngày càng hiện đại.

Cần thay đổi tư duy

Nguy cơ thiếu điện đang dần một hiện hữu (Ảnh TL)

Nhận định về thực trạng phát triển ngành điện hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trước hết phải giải quyết được những khúc mắc nội tại của ngành điện. Theo đó cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, thay vì chỉ đi lo sản xuất cho đủ nguồn cung, ngành điện cần có cải thiện ở khía cạnh tiêu dùng. Lời giải cho bài toán nguy cơ thiếu điện hiện nay là phải quan tâm đến quản lý phía cầu trong đảm bảo an ninh năng lượng chứ không chỉ đi lo nguồn cung. Theo đó, cách tiếp cận phải nằm trong sự phát triển của nền kinh tế, nghĩa là phải thay đổi và tính toán giá điện theo cơ chế thị trường, do thị trường quyết định.

Điện là đầu vào, động lực của hầu hết quá trình sản xuất kinh doanh, liên quan đến mọi ngành, mọi lĩnh vực, phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Ở Việt Nam, để tăng trưởng 1% GDP, riêng ngành điện phải tăng trưởng 1,5%. Tuy nhiên yếu tố công nghệ được sử dụng hiện nay đang rất tiêu tốn năng lượng. Công nghệ thấp, nhu cầu nhiều đã tạo lên yếu tố tiêu dùng năng lượng tốn kém đang trở thành áp lực cho ngành điện. Vì thế, để có lời giải, ngoài hạn chế, tiết kiệm điện, chúng ta cần phải có cách tiếp cận mới và khác đi để giải tỏa tất cả những điểm nghẽn này.

Lãnh đạo EVN cho biết, trong thời gian tới, nếu thiếu hụt điện thì doanh nghiệp phải sử dụng các nguồn điện khác để bù vào ví dụ như năng lượng tái tạo, nhiệt điện than và nhiệt điện dầu. Về giải pháp để cải thiện cho tình trạng thiếu điện, theo Bộ Công thương, ngoài đảm bảo tiến độ và đưa vào vận hành các công trình nguồn điện phía Nam, cần tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực.

Dự kiến, giai đoạn đến 2020 sẽ nhập điện từ nam Lào qua các đường dây 220 KV hiện hữu với công suất cao nhất có thể là 1.000 MW. Giai đoạn 2026-2030, mua điện từ khu vực bắc Lào với công suất 2.000 MW. Đặc biệt, Bộ Công thương đang tính đến việc tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua đường dây 220 KV từ Hà Khẩu (Trung Quốc) sang Lào Cai (Việt Nam) lên khoảng 1.000 MW và sản lượng mua tăng thêm 3,5 tỉ KWh/năm. Đồng thời, nghiên cứu đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc ở cấp điện áp 500 KV cho giai đoạn tiếp theo.

Duy Hưng