19/01/2025 | 13:28 GMT+7, Hà Nội

Người Việt chọn ôtô 7 chỗ theo tiêu chí gì

Cập nhật lúc: 26/06/2020, 08:40

Nhiều khách hàng xác định ít khi dùng đến hàng ghế thứ ba nhưng thay vì mua xe 5 chỗ, khách chọn loại 7 chỗ vì "có còn hơn không".

Để phục vụ công việc sắp mở rộng, Nguyễn Hải, một doanh nhân trẻ tại Phú Yên nói rằng sẽ lấy chiếc Hyundai Santa Fe máy dầu trước tháng 8/2020. Nhu cầu chủ yếu 5 người, nhưng Hải vẫn chọn vì sẽ có lúc dùng tới. Tương tự, Văn Hiếu làm truyền thông ở Đà Nẵng mua chiếc Mitsubishi Xpander. Hiếu nói chọn xe này vì thiết kế đẹp và cấu hình ba hàng ghế, trong khi nhu cầu thường ngày chỉ di chuyển với hai vợ chồng và thêm em bé mới sinh.

Trước 2016, xe 7 chỗ ở Việt Nam là địa hạt dành cho MPV kiểu Innova hoặc SUV cỡ trung, tầm Fortuner, Everest. Với các hãng xe và cả khách hàng khi ấy, kích thước phải ở tầm phân khúc D trở lên thì mới đủ chỗ cho ba hàng ghế. Nhưng sự xuất hiện của Nissan X-trail tháng 9/2016 tạo nên bước ngoặt.

Kích thước vẫn vậy, tương đương CX-5, CR-V nhưng X-Trail có thêm một hàng ghế thứ ba. Không phải loại 7 chỗ rõ ràng, nhưng kiểu 5+2 (hai ghế cuối nhỏ, hẹp hơn) cũng giúp khách hàng có thể sử dụng khi cần kíp. Kể từ sau đó, CR-V cũng thêm một hàng ghế, CX-5 có đàn anh CX-8 cũng 7 chỗ, và đặc biệt hơn là sự xuất hiện của Xpander ở phân khúc MPV cỡ nhỏ, dù trước đó đã có những Suzuki Ertiga hay Chevrolet Orlando.

Ở phân khúc tiền tỷ, VinFast có Lux SA2.0 ba hàng ghế. Mercedes sắp đưa chiếc GLB 5+2 về bán. Trong khi các hãng cũng đánh mạnh vào nhu cầu di chuyển nhiều thành viên trong gia đình của khách hàng giàu có, với những Kia Sedona, Ford Tourneo, Toyota Alphard, Honda Odyssey, Mercedes V-class... Việc có thêm ghế, đang trở thành một option ưa thích của khách Việt.

Tuy nhiên, "7 chỗ" không hẳn là yếu tố quyết định mẫu xe nào bán chạy hơn. Trường hợp doanh số của phân khúc crossover là một ví dụ. Từ khi ra mắt thế hệ mới và nhập về Việt Nam từ cuối 2018, Honda CR-V bắt đầu thắng thế và lật đổ ngôi vương doanh số của Mazda CX-5 từ 2019. Ở thế hệ cũ, CR-V chỉ có 5 chỗ. Mazda CX-5 thế hệ mới vẫn giữ cấu hình hai hàng ghế. Trong khi đó, X-Trail lại ở top bán chậm nhất phân khúc, dù đi đầu việc thêm hàng ghế. Outlander cũng có 7 chỗ và doanh số cũng ở mức thấp.

Hàng ghế thứ ba trên các sản phẩm dòng crossover hạng C thường có không gian khiêm tốn. Nhưng theo người dùng, việc di chuyển ở quãng đường ngắn hoặc khi cần chở trẻ em, một mẫu xe 5+2 lại trở nên hữu ích.

"Khách mua xe họ cân đối nhiều yếu tố như giá, thương hiệu, độ hấp dẫn các tính năng, tính thanh khoản khi bán lại... Tuy nhiên có thêm hàng ghế là có thêm lợi thế so với đối thủ", giám đốc marketing một hãng xe Nhật chia sẻ.

Ngoài crossover cỡ C và SUV hạng D, một phân khúc khác tạo được sự bứt phá về doanh số trong hai năm gần đây là MPV giá dưới một tỷ đồng. Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga, XL7, Kia Rondo, Toyota Rush, Avanza, Innova là những đại diện ở phân khúc này. Tất cả đều là xe cấu hình 5+2 ngoại trừ Innova kích thước lớn hơn phần còn lại, thuần 7 chỗ.

Thống kê VAMA trong 2019, trung bình 6 xe con bán ra có một chiếc MPV giá dưới một tỷ đồng, tỷ lệ cao nhất trong 5 năm qua. Phân khúc này tiêu thụ 39.442 xe, chiếm 17% toàn thị trường. Vô địch phân khúc đang là Xpander, sau đó tới Innova, nhóm còn lại khá lẹt đẹt.

Dòng MPV giá dưới một tỷ đồng phản ánh rõ nhất cách các hãng xe nắm bắt nhu cầu của khách hàng và tối ưu sản phẩm với mức giá vừa phải và phục vụ nhiều mục đích. Những mẫu MPV tầm giá 600 triệu đang khiến dòng sedan hạng B truyền thống ít nhiều bị san sẻ khách. Bởi lẽ, giá nhỉnh hơn chỉ khoảng 30-50 triệu, nhưng xe nhiều chỗ hơn, lại gầm cao, nội thất thoáng hơn. Những Toyota Vios (470-570 triệu đồng), Honda City (559-599 triệu đồng), Hyundai Accent (420-540 triệu đồng) sẽ bị đe dọa.

Nhiều ưu thế nhưng MPV cỡ nhỏ cũng có hạn chế là động cơ chỉ 1,5 lít, công suất hơn 100 mã lực, mô-men xoắn khoảng 140 Nm nên nếu chở đầy tải và leo đèo thường xuyên sẽ hơi đuối sức. Tuy vậy, đi thành phố mới là mục đích sử dụng nhiều. Văn Hiếu nói rằng, hơn nửa năm sau khi lấy xe hồi tháng 9/2019, chỉ có hai lần xe của anh phải dùng đến hàng ghế thứ ba.

"Ôtô với người Việt vẫn là một tài sản lớn. Khi đã mua xe, bản thân tôi hay nhiều người khác vẫn muốn mua một sản phẩm 'cho tới', nhiều chức năng, nhiều chỗ để sử dụng nếu sau này lỡ có phát sinh nhu cầu", Nguyễn Hải nói. "Có còn hơn không chứ".