22/11/2024 | 11:07 GMT+7, Hà Nội

Người tiêu dùng có những quyền lợi gì?

Cập nhật lúc: 01/10/2015, 23:14

Hiện nay, có tới 60% người tiêu dùng không biết mình có những quyền lợi gì...

Trong 1 buổi chia sẻ gần đây về quyền lợi người tiêu dùng, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho hay: Có tới 60% người tiêu dùng không biết mình có quyền gì.

Vì vậy, để tự bảo vệ mình và người thân thì mỗi người tiêu dùng cần biết và nắm rõ những quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình.

Theo đó, Luật bảo vệ Người tiêu dùng tại điều 8 quy định rõ 8 quyền của người tiêu dùng như sau. 

Quyền lợi của Người tiêu dùng

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hoá, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hoá, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hoá, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thoả thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

Những quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ.

Nghĩa vụ của người tiêu dùng

1. Kiểm tra hàng hoá trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hoá, dịch vụ.

2. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hoá, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng hay người tiêu thụ là một từ nghĩa rộng dùng để chỉ các cá nhân hoặc hộ gia đình dùng sản phẩm hoặc dịch vụ sản xuất trong nền kinh tế.

Người tiêu dùng là người có nhu cầu, có khả năng mua sắm các sản phẩm dịch vụ trên thị trường phục vụ cho cuộc sống, người tiêu dùng có thể là cá nhân hoặc hộ gia đình.

Vào tháng 3/2016 tới đây, lần đầu tiên ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam với chủ đề "Quyền được an toàn của người tiêu dùng" sẽ được tổ chức.

Được biết, các hoạt động chủ yếu sẽ được thực hiện từ ngày 10/3 đến ngày 20/3/2016.

Với mục đích tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Song song với việc hiểu và thực hiện đúng những quyền của mình, người tiêu dùng cần phải có những kỹ năng để tự bảo vệ mình như: Nắm rõ về các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng cũng như những quy định về bao bì đóng gói, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, địa chỉ người bán, nơi bảo hành.

Nếu mua nhầm sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng có quyền khiếu nại để đổi lại, bồi thường hoặc trả lại.

Trong quá trình bảo hành, người tiêu dùng có quyền yêu nhà phân phối cung cấp cho mình những sản phẩm tương tự đạt chất lượng để sử dụng trong khi chờ thực hiện bảo hành.

Ngoài ra, mỗi người tiêu dùng trước khi chọn mua sản phẩm nên có sự khảo sát tìm hiểu về sản phẩm tương tự trước khi chọn mua để tránh mua nhầm về giá cả.

Đề phòng những khuyến mãi không lành mạnh như rút thăm trúng thưởng, mua bán trên mạng. Nếu phụ thuộc quá vào những khuyến mãi đó người tiêu dùng sẽ mất đi khả năng lựa chọn và ở thế bị động mua bán.