Người tiêu dùng cảnh giác chiêu trò quét mã QR code chiếm đoạt tài sản
Cập nhật lúc: 06/09/2023, 18:57
Cập nhật lúc: 06/09/2023, 18:57
Nhiều chủ hộ kinh doanh bị kẻ xấu dán đè mã QR chiếm đoạt tài sản
Đã có không ít cảnh báo của nhiều chủ hộ kinh doanh về việc bị đối tượng xấu dán đè mã QR code lên mã chính chủ. Một trong số nạn nhân của việc làm này là chị Hoài Phương, chủ một siêu thị mini trên địa bàn quận Hà Đông.
Như Chị Phương cho biết, từ sau đại dịch COVID-19, việc thanh toán online ngày một phổ biến. Chị cũng đã in mã QR Code của số tài khoản ngân hàng dán lên tủ kính để khách hàng thanh toán tiền. Buổi chiều cách đây mấy hôm, một khách quen đến mua hàng của chị nhưng chị Phương không có nhà.
Theo thói quen mọi lần, khách lựa xong hàng thì sẽ thanh toán theo mã QR trên tủ kính. Buổi tối chị Phương về kiểm lại thì thấy tài khoản chưa báo có tiền nên mới gọi điện cho khách hỏi. Khách khẳng định đã chuyển tiền ngay từ chiều, và còn gửi bill cho chị xem.
Vừa liếc bill chị Phương đã phát hiện ngay ra tài khoản mà khách chuyển không phải là của mình. Vì của chị là ngân hàng VCB, còn khách lại chuyển vào ngân hàng ACB, chỉ có tên chủ tài khoản là giống nhau. Sau đó, vị khách cũng check lại những giao dịch trước thì xác nhận đúng là đã chuyển nhầm.
Khi kiểm tra lại chỗ dán mã QR trên tủ, chị Phương giật mình phát hiện ra đã bị kẻ xấu dán đè mã QR Code lên khiến cho khách hàng bị nhầm lẫn. Cuối cùng, giải pháp của chị Phương là xé tờ QR Code đi, và mỗi lần khách hàng chuyển khoản thì chị sẽ nhắn số tài khoản ngân hàng hoặc đưa trực tiếp mã QR Code cho họ.
Chị Lan Anh - chủ một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) kể lại cú lừa xảy ra cuối tháng 7/2023. Thời điểm đó anh khách hàng thanh toán số tiền 300 ngàn đồng bằng cách quét mã QR. Thông thường, ngay sau đó điện thoại của chị sẽ hiện thông báo đã nhận.
Tuy nhiên sau vài phút vẫn chưa nhận được, chị đề nghị khách cho xem lịch sử giao dịch và thấy tiền đã được chuyển đến một tài khoản đứng tên người khác, trong khi khách khẳng định quét mã QR dán trên tường tại cửa hàng. "Kiểm tra thấy có một miếng dán QR khác được dán đè lên mã của mình. Trước đó tôi cũng từng nghe về chiêu trò này rồi, không ngờ cửa hàng mình cũng gặp" - chị Lan Anh tỏ ra bức xúc.
Do số tiền không quá lớn, chị chấp nhận chịu thiệt. Sau đó chị Lan Anh cũng bóc hết những QR dán bên ngoài, chỉ để lại duy nhất một mã ở ngay bàn tính tiền.
Nhờ tính tiện lợi và không tiếp xúc, QR Code dần trở thành phương thức thanh toán chính của nhiều người dân. Từ các quán tạp hóa, cửa hàng dịch vụ đến nhà hàng, quán ăn đều dán mã QR Code thông tin tài khoản ngân hàng để tiện cho khách hàng thanh toán tiền.
Theo đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, mã QR có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị. Trong năm 2022, thanh toán qua mã QR tăng tới 225,36% về số lượng và 243,92% về giá trị so với năm 2021. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, thanh toán qua phương thức mã QR tăng mạnh mẽ nhất, tăng tới 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị; qua POS tăng 37,5% về số lượng và 32% về giá trị. Điều này cho thấy, phương thức thanh toán sử dụng mã QR đang ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng.
Với tiện ích và mức độ phổ biến ngày càng rộng rãi của mã QR, công nghệ này đang bị khai thác bởi các nhóm tội phạm mạng. Đơn cử là thủ đoạn lén dán đè mã QR Code tài khoản ngân hàng lên mã của chủ cửa hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn tạo ra mã QR độc hại để lừa chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc thông tin cá nhân người dùng...
Cẩn trọng trước mã độc
Vừa qua Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an TP Đà Lạt đã bắt quả tang, ngăn chặn kịp thời một nhóm đối tượng có hành vi phát tán tờ rơi nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận được một người thuê phát card visit ở khắp các tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng… với giá 1.000 đồng/tờ. Trung bình mỗi ngày các đối tượng thực hiện khoảng 3.000 - 5.000 tờ, khi đến Đà Lạt thực hiện thì bị người dân tố giác và lực lượng Công an bắt quả tang.
Trước đó, nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, trên địa bàn TP Đà Lạt, có nhiều tài xế và chủ xe ô tô nhận được danh thiếp lạ dưới dạng card visit cài hoặc kẹp trên xe của mình. Card có nội dung khiêu dâm với hình ảnh các cô gái ăn mặc hở hang; hướng dẫn cách sử dụng dịch vụ “massage thư giãn tận nơi, hẹn hò tình cảm” bằng cách truy cập vào đường link website, quét mã QR Code... và tải ứng dụng trên website.
Qua kiểm tra mã QR, đường link dẫn đến website trên các card visit, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xác định các nội dung trên đều chứa nhiều loại mã độc chuyên dùng để đánh cắp các thông tin, dữ liệu của người dùng. Mục tiêu của số đối tượng này nhằm đánh lừa người dùng cài đặt các ứng dụng chứa mã độc vào điện thoại cá nhân.
Khi cài đặt các ứng dụng này vào máy điện thoại cá nhân, mã độc sẽ đọc được nội dung và tương tác được trên các ứng dụng khác, từ đó có thể “nằm vùng” như một gián điệp, thu thập thông tin, điều khiển các ứng dụng ngân hàng, đánh cắp tài khoản, mật khẩu và mã OTP của nạn nhân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Hiện vụ việc đang được các đơn vị Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Thời gian qua thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc quét mã QR Code ngày một phổ biến. Đối tượng mạo danh là nhân viên ngân hàng, gọi điện từ số máy bàn có dãy số gần giống với số tổng đài của ngân hàng mời chào khách hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc một số dịch vụ tài chính khác, và kẻ gian sẽ gửi và yêu cầu khách hàng quét mã QR.
Khách hàng quét mã QR mà kẻ gian gửi tới, sẽ được chuyển đến đường link website giả mạo. Tại đây, sẽ được yêu cầu nhập các thông tin như: Họ và tên, CMND/CCCD, chụp ảnh CMND, CCCD 2 mặt, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ và OTP gửi về số điện thoại khách hàng, thông tin đăng nhập user và password tài khoản ngân hàng… Ngay sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản Internet Banking hoặc thẻ tín dụng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.
Ngoài ra mã QR độc hại còn được phát tán dễ dàng trong các bài viết, hình ảnh thông qua các ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội. Tại một hội nhóm trên Facebook chuyên về tình hình giao thông, một bài viết với tiêu đề "live (tường thuật trực tiếp) tai nạn giao thông thảm khốc... không một ai sống sót" đã thu hút rất đông thành viên quan tâm và tò mò.
Kèm theo tựa đề câu khách này là một mã QR với lời chào mời quét mã để xem video. Tuy nhiên khi quét mã thì kết quả lại là một trang quảng cáo cờ bạc kèm cảnh báo mã độc có thể bị cài đặt vào điện thoại. Dù bài viết đã nhanh chóng bị xóa nhưng lượng tương tác lên đến hàng nghìn người.
Một phương thức khác là dạng tin nhắn gửi cho mọi thành viên trong các hội nhóm hoặc gửi từ các tài khoản đã bị hack với nội dung video lộ hàng nóng của ca sĩ M.T, người mẫu P.U... kèm hình ảnh minh họa có mã QR. Những người tò mò quét mã truy cập sẽ bị nhiễm mã độc.
Để tránh bị dính bẫy lừa đảo tinh vi này, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần hết sức cảnh giác với các yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ. Các ngân hàng cũng cho biết tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin số thẻ, số CVV2/CVC2 (3 số bảo mật ở mặt sau của thẻ tín dụng) hoặc bất kỳ thông tin bảo mật cá nhân nào khác của khách hàng qua zal, số điện thoại không định danh.
Đồng thời, các ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã xác thực OTP/ Smart OTP cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng. Nếu lỡ quét mã QR, cần kiểm tra lại đường link để nhận diện link URL an toàn…
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/nguoi-tieu-dung-canh-giac-chieu-tro-quet-ma-qr-code-chiem-doat-tai-san-108728.html
06:15, 17/09/2021
06:15, 10/09/2021
16:00, 22/05/2021