21/11/2024 | 15:38 GMT+7, Hà Nội

Người tiêu dùng cần cảnh giác chiêu trò lừa đảo ở chợ thanh lý đồ cũ

Cập nhật lúc: 24/08/2023, 15:23

Với chiêu trò rao bán, thanh lý vật dụng gia đình như: tủ lạnh, quạt, bàn ghế… với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/4 so với ngoài cửa hàng nhưng thực chất chỉ là hàng cũ lắp ráp lại.

Hàng tàu cũ lắp ráp “đội lốt” hàng thanh lý

Nhiều người có điều kiện kinh tế khó khăn nên buộc phải lựa chọn giải pháp mua hàng thanh lý. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người đã phải ôm trái đắng vì mua phải hàng tàu cũ lắp ráp.

Chị Lê Thanh Hằng (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) bị lừa vì mua phải chiếc tủ lạnh rởm. Chị Hằng cũng lên các chợ thanh lý hàng điện lạnh để tìm hiểu thông tin. Sau khi xem các comment tốt dưới các trạng thái bán hàng, chị Hòa không mảy may nghi ngờ gì. Rất nhanh, chị Hằng quyết định đã bỏ 2,5 triệu mua chiếc tủ lạnh Sanyo (180 lít) để sử dụng.

Trước khi mua chị đã xem hình ảnh, xem clip thậm chí gọi điện cho người đăng bán. Chủ nhân có nói chỉ dùng chưa quá 2 tháng nhưng do phải đi nước ngoài nên cần thanh lý gấp. Thế nhưng, sau một tháng dùng, chị Hằng khá bức xúc vì giá tiền điện tăng gấp ba lần tháng trước, gọi thợ sửa thì nhận được câu trả lời bộ phận xả đá có vấn đề, bộ chỉnh nhiệt bị lỗi. Sau khi nhờ thợ kiểm tra mới biết đây là tủ đã lạnh đã mua hơn ba năm, được “mông” lại bởi lớp sơn mới.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo thanh lý đồ cũ
Tủ lạnh là mặt hàng được rao bán nhiều nhất trên các chợ thanh lý đồ cũ.

Tương tự, Lê Thanh Tùng, sinh viên Trường Đại học Văn Hóa cho hay, do thời tiết nắng nóng nên em rất muốn mua một chiếc quạt phun sương, tuy nhiên giá của một chiếc quạt mới cũng hơn 2 triệu đồng. Vì tài chính eo hẹp, Tùng quyết định lên Facebook tìm kiếm mua quạt cũ thanh lý. Trên một nhóm “Thanh lý đồ cũ tại Hà Nội”, có một tài khoản đăng quạt điều hòa cũ hãng Coex giá 1 triệu đồng, mới 90%, do nhu cầu không dùng đến cần bán lại.

“Em tìm hiểu giá mới của loại quạt này là 1.4 triệu. Em thấy họ nói mới 90%, còn quay clip sản phẩm cho khách xem. Chính vì thế em đã quyết định mua để dùng trong những ngày nắng nóng. Không may mắn khi em mang quạt về sử dụng được đúng 10 ngày thì hỏng, không còn phun sương được nữa. Mang ra cửa hàng thì người ta bảo đây là hàng Tàu đã qua sử dụng, lắp ráp đủ loại linh kiện khác nhau. Nếu tính ra giá chỉ vài trăm nghìn đồng”, Tùng cho biết.

Không chỉ mua phải hàng cũ được mông má, nhiều đối tượng còn sử dụng cách lừa đảo tinh vi hơn, đó là chuyển khoản mua hàng xong “chạy mất người”. Như trường hợp của anh Thân Văn N. (Bắc Giang) cũng phải “ngậm trái đắng” vì mua hàng thanh lý trên mạng xã hội. Cụ thể, sáng ngày 29/5/2023, anh N. lên mạng Facebook vào nhóm “Chợ đồ cũ Bắc Giang”.

Tại đây anh đọc được thông tin có một trường hợp đang có nhu cầu thanh lý một số đồ cũ do chuyển nhà, không dùng đến, bao gồm: Một chiếc tủ lạnh, một chiếc tivi, một bộ bàn ghế, một máy giặt và một chiếc giường.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo thanh lý đồ cũ
Giấy căn cước công dân mà anh N nhận được khi yêu cầu đối tượng lừa đảo gửi cho mình.

Anh N. cho hay, riêng chiếc tủ lạnh hiệu Hitachi, loại 2 cánh, có giá 9,5 triệu đồng đã làm anh “kết” lô hàng này. Anh có nhắn qua Messenger thì đối tượng tự xưng là Phương Linh, đang ở quận Hồng Bàng (Hải Phòng), người này cho biết: “ “Hiện em đang không có nhà. Anh nhắn cho số điện thoại, chút nữa chồng em sẽ gọi điện để chuyển hàng”. Vài phút sau, anh N. nhận được một cuộc điện thoại, người này xưng là chồng của Phương Linh đang chuyển tủ lạnh mà anh N. đặt mua lên xe để chở về Bắc Giang giao cho anh N. Để tạo dựng lòng tin, đối tượng này còn chụp lại ảnh chiếc tủ lạnh vừa đưa lên xe bán tải.

Sau khi lấy được lòng tin của “con mồi”, một đối tượng xưng là chồng của Phương Linh điện thoại đề nghị anh N. chuyển trước 2 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng vì họ đang cần tiền. Số tài khoản là: 19070724368017 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank mang tên Nguyễn Phương Linh). Anh N. rất cẩn thận yêu cầu đối tượng chụp ảnh căn cước công dân của 2 vợ chồng để kiểm tra.

Ngay lập tức họ gửi cho anh thẻ căn cước công dân của hai vợ chồng mang tên: Dương Ngọc Hiếu, trú tại phường Hòn Gai, TP Hạ Long và Nguyễn Phương Linh, trú tại phường Hồng Bàng (Hải Phòng). Thậm chí, đối tượng còn gửi ảnh định vị đang ở Hải Phòng. Nhận thấy mọi thông tin đều rõ ràng, anh N. đã chuyển trước cho đối tượng trên 2 triệu đồng vào tài khoản của chúng.

Khoảng 2 tiếng sau, anh N. nhận được điện thoại của đối tượng bảo đang cần tiền gấp nên đề nghị anh chuyển tiếp 3 triệu đồng. Anh N. chưa kịp nghi ngờ thì chúng đã nhắn số điện thoại của tài xế lái xe chở tủ lạnh, hiện đang đi đến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Thấy vậy anh N. tiếp tục chuyển cho đối tượng thêm 3 triệu đồng. 30 phút sau, lấy lý do hàng sắp về đến nhà, đối tượng lại yêu cầu anh N. chuyển nốt 3 triệu đồng.

Khi anh N. chuyển đủ 8 triệu đồng và chờ 3 tiếng không thấy xe hàng về nhà, nghi ngờ anh có gọi điện lại thì không liên lạc được. Lên Facebook vào nhóm “Chợ đồ cũ Bắc Giang” để xem lại thông tin của các đối tượng trên nhưng tất cả đã bị xóa. “Lúc này tôi mới biết là mình bị lừa, thực sự chúng có những thủ đoạn rất tinh vi, lấy niềm tin của người khác giỏi. Tôi đã trình báo toàn bộ sự việc lên cơ quan công an để làm rõ rồi”, anh N. cho biết.

Khách hàng nên tỉnh táo để không tự biến mình thành “con mồi”

Các hội nhóm chuyên thanh lý hàng cũ hiện nay thực chất là do một nhóm người lập ra với nhiều tên khác nhau. Sau đó họ kết bạn, mời theo dõi càng nhiều càng tốt để đăng quảng cáo bán hàng các đồ nội thất, điện tử, điện lạnh…dưới cái mác “thanh lý” đồ giá rẻ.

Để nắm rõ cách thức “làm ăn” của những nhóm này, chúng tôi có kết nối được với một người tên Hoàng. Ban đầu Hoàng tỏ ra cảnh giác nhưng sau 1 hồi nói chuyện, anh này cũng tiết lộ nhiều chiêu thức của mình cho chúng tôi nghe. Trước đây Hoàng là nhân viên chuyên bán xe máy cũ tại chợ xe “Dịch Vọng”. Mới đây Hoàng được một “đàn anh” bày cho cách lập các nhóm mua bán đồ cũ tại Hà Nội. Từ đó sẽ thu hút những người mua bán lên đó, sau đó dùng các nick khác nhau để chào bán xe máy cũ, tăng doanh thu cho cửa hàng.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo thanh lý đồ cũ
Những chiếc điều hòa cũ sẽ được người thợ này mông má, sơn lại như mới sau đó lại bán thành đồ cũ thanh lý.

“Tâm lý của người Việt là thích giá rẻ, nhưng lại mua hàng tốt nên nhiều người sẽ tin ngay những hình ảnh bóng bẩy cùng thông tin đầy đủ về sản phẩm. Nếu một người bình thường muốn mua xe máy cũ, chắc chắn họ không muốn đến chợ xe cũ vì họ cho rằng xe ở đó được mông má, sửa sang rồi bày bán. Còn trên này họ sẽ có tâm lý, xem chính chủ, không có nhu cầu nên bán lại, hàng vẫn còn “zin”, ngon lành”, - Hoàng tiết lộ.

Sau khi cảm thấy làm ăn được trên các fanpage bán đồ thanh lý, Hoàng tiếp tục móc nối với một số người chuyên bán đồ nội thất hay thiết bị điện lạnh, điện dân dụng. Những đồ này đều là hàng cũ, những người này mua về sơn lại cho bóng bẩy để sau đó đăng lên các fanpage bán hàng thanh lý, giá chỉ thấp hơn hàng mới chút ít mà hàng lại bán trôi.

Kinh doanh online hiện đang núp dưới nhiều hình thức khác nhau để lừa người tiêu dùng nên mọi người cần cẩn thận, cân nhắc trước khi mua hàng theo hình thức này. Những cái bẫy trên mạng vẫn cứ phát triển, biến đổi từng ngày với những hình thái khác nhau  nhằm mục đích qua mắt người tiêu dùng.

Đối tượng mà chúng nhắm tới chủ yếu là dân lao động nghèo, người có thu nhập thấp, sinh viên. Vậy nên, ở nơi mà cơ quan chức năng vẫn “bỏ lỏng” thì người dân nên tỉnh táo để không trở thành những “con mồi” béo bở.

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/nguoi-tieu-dung-can-canh-giac-chieu-tro-lua-dao-o-cho-thanh-ly-do-cu-108172.html