18/01/2025 | 14:48 GMT+7, Hà Nội

Người góp phần “nối những bờ vui” cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch

Cập nhật lúc: 17/04/2020, 11:47

Thời điểm khẩu trang y tế khan hiếm, vấn đề khiến chị Vân Anh luôn đau đáu là làm sao có đủ số lượng sử dụng hợp lý cũng như để cán bộ y tế của mình đảm bảo an toàn.

Giải quyết trước mắt, chị đã có những chỉ đạo phân bổ hợp lý từng loại với từng nhóm công việc...

Là người đứng đầu, chứng kiến nhân viên ngày đêm chống dịch với bao nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra, chị Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc TTYT quận Hai Bà Trưng luôn có những lo lắng, quan tâm, dặn dò tỉ mỉ với mọi thành viên làm công tác phòng dịch trên địa bàn.

Bản thân đã từng cùng cán bộ ra tuyến đầu chống dịch nên chị hiểu những vất vả, nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm của cán bộ y tế. Trước mỗi buổi “ra quân” của cán bộ y tế đi khử khuẩn, lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm, chị lại dõi theo với sự lo lắng thắt ruột. Trong khi đó, khẩu trang y tế thì khan hiếm, làm sao để cán bộ của mình đảm bảo tối đa tránh khả năng lây nhiễm, nâng cao thể trạng sức khỏe và động viên tinh thần cho cán bộ? Dịch xảy ra, cán bộ y tế quá vất vả, làm gì để động viên họ bây giờ. Đó là điều khiến người đứng đầu như chị luôn trăn trở.

Cán bộ y tế trên địa bàn quận Hai Bà Trưng ấm lòng trước những nhu yếu phẩm người dân tiếp tế (ảnh tư liệu).

“Đồ bảo hộ, khẩu trang y tế thiếu, nâng cao sức khỏe rất cần. Suy đi tính lại cơ quan sẽ mua khẩu trang vải cho cán bộ dùng hàng ngày, ưu tiên khẩu trang y tế khi đi vào vùng dịch, tạm trong thời gian khan hiếm vậy” - chị Vân Anh suy tính. Và rồi chị đã phân bổ khẩu trang vải mỗi người tối thiểu 7 chiếc/7 ngày trong tuần để có thể giặt đi và đủ dùng mỗi ngày. Còn với khẩu trang y tế và đồ bảo hộ được ưu tiên dùng khi đi vào vùng dịch. Khẩu trang N95 và Bộ Tyvec được đặc biệt ưu tiên cho cán bộ đi lấy mẫu xét nghiệm, xử lý các ca F0, F1.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh từng đi thực tế nên hiểu được nỗi vất vả của cán bộ phòng dịch (ảnh NVCC).

Bên cạnh đó, chị cũng không ngần ngại đi… xin đồ bảo hộ cho cán bộ của mình, bởi chị quan tâm và đặt sự an toàn của mọi người lên hàng đầu. “Qua những người quen, những người dân, chúng tôi cũng kêu gọi mọi người ủng hộ khẩu trang y tế cho cán bộ y tế, việc kêu gọi đó đã được khá nhiều người ủng hộ quan tâm”, chị Vân Anh cho biết.

Chị Vân Anh chia sẻ: Thật may qua những hoạt động chống dịch ngày đêm đã làm cho người dân hiểu hơn, thêm tin và yêu cán bộ y tế cơ sở. Trong lúc khẩu trang y tế khan hiếm, giá cao ngất vẫn không có mà mua, cán bộ y tế vẫn nhận được những tin nhắn “em ơi chị có một hộp khẩu trang y tế, chị mang tặng các em nhé”; “chị ơi mặt nạ chống giọt bắn cư dân Time City nhà em làm, chúng em sẽ tặng các chị”. Đã có 700 chiếc mặt nạ chống giọt bắn đã được chuyển tận tay cán bộ y tế.

Và sự ủng hộ, tin yêu của người dân không chỉ dừng ở đó, những suất cơm của nhóm Từ Tâm được đưa đến tay cán bộ y tế khi vẫn còn nóng hổi, những chiếc ô đến với trạm xét nghiệm dã chiến đúng ngày mưa gió, những lời động viên ngọt ngào “cố lên các em nhé”, “giữ sức khỏe nhé các em”, “chúng tôi biết ơn các anh chị”, “y tế tuyến đầu vất vả quá”, “Các chị cần gì nữa nhớ bảo chúng em nhé” khiến chúng tôi rưng rưng nước mắt-Giám đốc TTYT xúc động.

Bên cạnh đó, Công đoàn ngành y tế của quận Hai Bà Trưng đã huy động mỗi cán bộ y tế ở các đơn vị khác (phòng khám, nhà hộ sinh, các khoa, phòng ủng hộ mỗi người 100.000 đồng để động viên nhau theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Thậm chí, cả những cán bộ hưu của Sở Y tế cũng gửi đến hỗ trợ cán bộ y tế cơ sở. “Cùng là ngành y, chúng tôi hiểu lương bổng chẳng bao nhiêu, lại còn nghỉ hưu nữa, nhưng các bác, các cô chú, anh chị vẫn dành cho chúng tôi với cả tình thương yêu và chia sẻ” - lời chị Vân Anh.

Và khi số lượng trang bị bảo hộ của nhân viên trên địa bàn đã đủ dùng, chị Vân Anh lại làm “bồ câu đưa thư”, chắp nối đến các đơn vị bạn. Chị cho biết: Qua những gì chúng tôi viết trên facebook, nhiều cá nhân và tập thể đã gửi đến chúng tôi mặt nạ chống giọt bắn và khẩu trang y tế, chúng tôi đã xin phép chuyển đến các Trung tâm khác để chia sẻ khó khăn cùng đơn vị khác. Hay một số cá nhân, tập thể muốn tặng trang bị bảo hộ hoặc bánh, sữa tôi đã kết nối để họ tài trợ trực tiếp cho các đơn vị.

“Qua thông tin, chia sẻ với các Trung tâm y tế khác tôi được biết các đơn vị bạn cũng chung khó khăn như chúng tôi. Trưa hôm ấy, biết đội CDC Thành phố với 46 người đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trong BV Bạch Mai bị lỡ bữa trưa, ngay lập tức tôi chỉ đạo công đoàn Trung tâm tôi chuyển ngay 3 thùng sữa, 3 thùng bánh đến, tạm thời chữa cháy ngay”, chị Vân Anh kể lại.

Để có được những sự sẻ chia rộng rãi đó, Giám đốc TTYT cho rằng bên cạnh việc bám sát chỉ đạo của TP, Sở Y tế, UBND quận thì tranh thủ tối đa sự phối hợp của UBND các phường, vận động sự quan tâm hỗ trợ của các ban ngành đoàn thể trong việc điều tra, phát hiện người có nguy cơ cao.

Tranh thủ mọi hệ thống thông tin truyền thông để tuyên truyền về phòng chống bệnh, đưa các thông tin để mọi người hiểu và ủng hộ công tác phòng chống dịch, công việc của tuyến y tế cơ sở. Qua đó cũng tranh thủ được sự động viên về vật chất và tinh thần của mọi người, việc tặng mặt nạ chống giọt bắn, khẩu trang y tế, sữa, gạo, trứng,.. là những ví dụ điển hình.

Nhờ những sự sẻ chia này mà cán bộ y tế luôn cảm thấy ấm lòng, luôn có động lực để vượt qua những ngày tháng khó khăn, vất vả đương đầu với dịch bệnh.