Người dân nơm nớp vì sống dưới nhà máy thủy điện
Cập nhật lúc: 15/04/2019, 07:00
Cập nhật lúc: 15/04/2019, 07:00
Nguyên nhân khiến người dân phải kêu cứu là bởi họ đang sống dưới đập tích nước của nhà máy thủy điện. Vào mùa mưa, thủy điện xả nước từ trên đập xuống làm xói mòn, sạt lở đến hoa mùa, đường gioa thông, nền nhà của các hộ dân sinh sống ven suối.
Hai thủy điện xây dựng sát nhau ngay trên đầu bản khiến người dân lo lắng
Theo quan sát của PV, con suối ngay dưới chân thủy điện chỉ còn trơ lại đá lổn nhổn. Phía nhà máy thủy điện còn làm bức ngăn bê tông để nắn dòng chảy về phía bắc khiến dòng nước chảy xiết hơn. Cả một đoạn đường bê tông bị cuốn hết phần chân, sẵn sàng sập xuống bất kỳ khi nào. Cách đó không xa, những móng nhà của dân cũng bị cạo sát chân, với sức xói mòn như hiện nay thì chẳng mấy chốc những ngôi nhà này sẽ nằm dưới lòng suối.
Đường giao thông bị xói lở nghiêm trọng
Ông Bùi Văn Dương, 69 tuổi trú tại thôn Sạn bức xúc: “Từ ngày có thủy điện ở đây, dân chúng tôi mất ăn, mất ngủ. Họ xả lũ không có giờ giấc, nước chảy xiết và bị thay đổi dòng chảy nên đất đai bị sạt lở hết. Lãnh đạo thủy điện cứ hứa hẹn xuống dân xem xét tình hình để bàn cách giải quyết, nhưng mấy năm nay họ chỉ hứa rồi để đó, còn nỗi lo của dân họ mặc kệ".
Trước khi xây dựng thủy điện, chủ đầu tư, cơ quan chức năng phải tính toán, tham vấn ý kiến của người dân địa phương. Những hộ dân nằm trong diện ảnh hưởng thì phải kiểm kê, bồi thường, bố trí di dời lên vùng an toàn. Quá trình hoạt động, vận hành phải tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, khi xả lũ phải có thông báo, còi báo hiệu để người dân chủ động ứng phó. Theo lời người dân và cán bộ xã thì 2 thủy điện này hoạt động không theo nguyên tắc nào mà "thích thì họ xả".
Móng nhà của người dân bị xói lở
Bản Sạn có 56 hộ, hơn 250 nhân khẩu, còn bản So Lo có 67 hộ, 255 nhân khẩu, cứ mỗi khi vào mùa mưa là họ phải chuẩn bị tâm thế chạy lũ thủy điện. Tháng 10/2017, do mưa to, thủy điện lại xả lũ làm nhiều nhà dân ở ven suối bị ngập đến cột nhà. Một “quả bom nổ chậm” mà người dân lo lắng hơn là thủy điện So Lo 1 xây đập tích nước để xả vào nhà máy ngay trên đầu bản, hiện đập đã xuống cấp.
Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn Đinh Công Hanh trao đổi với PV
Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn Đinh Công Hanh cho biết: Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhận được đề nghị của người dân liên quan tới quá trình xây dựng, vận hành của thủy điện So Lo. Khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ xây dựng cho thôn 1 nhà văn hóa, 1 cây cầu nhưng mấy năm nay không thấy đâu. Năm 2017, khi nước lũ đổ xuống, nhà máy thủy điện gặp sự cố khiến nước dâng ảnh hưởng tới rất nhiều hộ dân. UBND xã đã phải huy động dân quân, lực lượng thanh niên trai tráng lên kéo tời thì mới hạn chế được thiệt hại. Nhà máy thủy điện có cam kết kiểm kê thiệt hại thực tế để hỗ trợ cho dân nhưng quá chậm và nhỏ giọt khiến họ bức xúc.
Hiện nay mỗi khi xả lũ, nước chảy xiết làm xói mòn móng nhà, ruộng vườn của dân nhưng xã liên hệ nhiều lần lãnh đã nhà máy thủy điện vẫn chưa chịu tới để phối hợp giải quyết. Việc xả lũ của thủy điện rất tùy tiện, họ có hứa khi xả nước sẽ có còi thông báo đến toàn dân nhưng nhiều năm nay không thông báo gì. Chỉ lo bà con đi làm nương qua suối và trẻ con nghịch ở suối sẽ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào, nguy hiểm đến tính mạng. Xã đã làm đề nghị nhiều lần lên cấp trên nhưng chưa được giải quyết.
Được biết, chủ đầu tư của thủy điện So Lo 1 và So Lo 2 là Công ty cổ phần thủy điện Mai Châu. Thủy điện So Lo 1 đi vào hoạt động tháng 4/2008, thủy điện So Lo 2 hoạt động vào tháng 4/2017.
Mùa mưa bão đang đến gần, các cơ quan chức năng huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cần sớm vào cuộc yêu cầu chủ đầu tư của 2 nhà máy thủy điện tuân thủ việc tích nước, vận hành, thông báo cho người dân biết trước khi xả lũ để hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, kiểm tra đập chứa nước để có phương án nâng cấp, sửa chữa kịp thời. Sớm xem xét, giải quyết kiến nghị chính đáng của người dân tránh để khiếu nại kéo dài.