Người dân hạn chế đến nơi đông người, không nên tích trữ đồ dùng, lương thực
Cập nhật lúc: 07/03/2020, 18:07
Cập nhật lúc: 07/03/2020, 18:07
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tại thời điểm này, người dân hãy bình tĩnh, hạn chế tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên, đặc biệt không nên tích trữ đồ ăn để không dẫn tới tình cảnh mất kiểm soát.
Đổ xô “ôm hàng” siêu thị tích trữ
Lo sợ bị cách ly sau khi ca dương tính Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện, nhiều cư dân Times City (quận Hai Bà Trưng) đua nhau đi siêu thị mua nhu yếu phẩm lúc nửa đêm. Các mặt hàng cư dân mua nhiều là gạo, trứng, giấy vệ sinh. Chỉ trong thời gian ngắn, các kệ gạo, trứng đã hết hàng. Tình trạng trên cũng diễn ra tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Hương - cư dân Times City (quận Hai Bà Trưng) cho biết, sau khi nhóm cư dân Times City thông báo có một bác sĩ ở tầng 18, công tác tại Bệnh viện Hồng Ngọc, đã khám cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 thì chị mới biết. “Thấy nhiều người xuống siêu thị mua đồ về dự trữ, tôi cũng đi mua, chủ yếu là giấy ăn, mì tôm, gạo, các loại gia vị" - chị Hương cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, theo nguồn từ WHO, trong báo cáo của nhóm 25 chuyên gia quốc tế do WHO cử đến Trung Quốc để tìm hiểu về tỷ lệ lây nhiễm của Covid-19 cho thấy:
- Ở Thâm Quyến, 2,842 người tiếp xúc, tìm được cả 2,842 & 2,240 người được kiểm tra chỉ 2.8% bị lây nhiễm.
- Ở Tứ Xuyên, 25,493 người tiếp xúc, 25,347 (99%) được tìm ra, 23,178 được kiểm tra và 0.9% bi lây nhiễm.
- Ở Quảng Đông, con số này lần lượt là 9,939, 7,765 và 4.8% bị lây nhiễm.
Dựa trên các con số thống kê nhóm chuyên gia đưa ra thì khả năng lây nhiễm khi trực tiếp tiếp xúc với người mang virus SARS-CoV-2 là 1-5%.
“Nhìn vào số liệu có thể thấy, người dân hãy tin ở số liệu thống kê, hãy tin ở Chính phủ. Đừng sợ hãi, đừng ào ào về quê, đừng ôm hàng siêu thị để tích trữ...”- trích từ nguồn số liệu WHO.
Hạn chế nơi đông người, rửa tay thường xuyên và không tích trữ thực phẩm
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, người dân cần bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn về y tế, không hoang mang theo các thông tin đồn thổi để chung sức chống dịch bệnh.
"Có các thông tin như kêu gọi tích trữ lương thực, thậm chí cả vàng, những điều đó là không đúng đắn" - Thứ trưởng nói đồng thời nhấn mạnh, chúng ta đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống còn mạnh hơn thời dịch SARS năm 2003. Việt Nam sẽ kiểm soát được Covid-19 và hiện đủ năng lực để chống dịch bệnh viêm phổi.
Thứ trưởng khuyên người dân bình tĩnh trong phòng chống dịch, không cần thiết phải tích trữ lương thực, đồ dùng... Theo Thứ trưởng, phòng nhiễm tất cả các biện pháp, đặc biệt phải rửa tay nhiều lần trong ngày, vì nghiên cứu cho thấy cứ 10 phút con người lại đưa tay lên mặt. Trong 15 phút virus có thể lây lan. Không nên tiếp xúc với đám đông. Vệ sinh bề mặt là biện pháp quan trọng để phòng bệnh, dùng nước tẩy rửa thông thường lau rửa vật dụng trong gia đình.
Đồng quan điểm, TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, hiện tượng người dân đổ xô đi mua tích trữ và găm hàng có thể khiến giá thực phẩm tăng bất thường và những người nghèo, người có thu nhập thấp khó có thể mua được, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật và gia tăng sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng trong xã hội trong việc tiếp cận những cơ hội đảm bảo sức khỏe.
Bên cạnh đó, hành động này cũng phản ánh ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân trong xã hội chưa cao, vẫn còn mang tính vị kỷ, nghĩ cho bản thân. Điều này phần nào đi ngược lại với truyền thống đoàn kết, trách nhiệm và sẻ chia của ông cha ta ngày xưa.
Theo TS Sơn, lúc này, người dân hạn chế tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên. Những trường hợp bị cách ly sẽ được hỗ trợ. Vì thế, người dân không nên cố tìm cách thoát cách ly. “Những ngày này nên tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tăng cường các thực phẩm giàu vitamin, chất khoáng và chất chống ôxy hóa để đảm bảo sức khỏe chống lại các mầm bệnh” - TS Trương Hồng Sơn khuyến cáo.
Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, người dân đừng cố gắng tích trữ đồ ăn, đừng khiến mọi siêu thị đều trở nên đông đúc và lộn xộn, dẫn tới tình trạng mất kiểm soát và lây lan bệnh cho nhau... nhanh nhất. Nếu tất cả bình tĩnh, ở nhà, chỉ mua thực phẩm gần nhà và mua đủ dùng, thì tất cả sẽ có đủ đồ, không ai bị thiếu, có thể gọi hàng online… Năng lực thị trường vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân mà không cần phải tích trữ.
Theo lý giải của các chuyên gia y tế, không phải tự dưng Trung Quốc có số ca tăng chóng mặt trong thời gian đầu, một phần bởi vì tâm lý tích trữ đổ xô ra siêu thị, chạy trốn khắp nơi khỏi cách ly và tạo môi trường lây lan nhanh nhất. Mãi về sau khi tất cả ở yên trong nhà, mọi thứ mới bắt đầu chậm dần, nhưng cũng đã là quá muộn... đã có nhiều người phải ra đi...
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân hạn chế tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên. Tự chăm sóc nâng cao sức đề kháng của bản thân và gia đình. Theo dõi nguồn thông tin chính thống, tránh hoang mang. Vaccine hiệu quả nhất lúc này là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình. Người dân tin ở y tế, cơ quan chức năng, tạo niềm tin và động lực cho ngành y tế chống dịch hiệu quả.
16:51, 07/03/2020
16:18, 07/03/2020
11:32, 07/03/2020