Người cựu chiến binh nghèo hiến 4000m2 đất xây trường xóa mù chữ
Cập nhật lúc: 05/02/2019, 13:00
Cập nhật lúc: 05/02/2019, 13:00
Ước mơ
Đấy là 2 từ được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với người cựu chiến binh nghèo Bùi Văn Sòn (trú xóm Cóc, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Trong tâm trạng xúc động, ông Sòn chia sẻ: “Tôi ước mơ người dân nơi đây sẽ bớt khổ, sẽ được ấm cái bụng, nhưng ước mơ lớn nhất tự tận đáy lòng tôi là mang ánh sáng tri thức về soi sáng bản làng mình”.
Chính ước mơ, sự khát khao cháy bỏng đó đã khiến ông không một chút đắn đo, mang hẳn mảnh đất rộng gần 4000m2 hiến tặng để xây dựng trường học. Tâm sự với chúng tôi về nghĩa cử cao đẹp và thiêng liêng đó, ông Sòn cho biết: Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đất nước lại đang trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, đến cái ăn, cái mặc còn không có, nói gì tới việc mình được cắp sách tới trường. Dù rất ham học, nhưng cái đường học của cậu bé Sòn ngày nào thật ngắn ngủi, khi chỉ học đến hết lớp 2, vừa đủ nhận mặt con chữ và thực hiện những phép tính đơn giản cộng, trừ, nhân, chia.
Ngôi trường tiểu học Ngọc Mỹ B, nơi nuôi dưỡng ước mơ xóa mù chữ của trẻ em xóm Cóc. Ảnh: Đ.Phong
Thế rồi, thời gian thấm thoát thoi đưa, ông lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của một đời người. Nhập ngũ tháng 3/1975, 7 năm hoạt động trong quân ngũ là quãng thời gian vô cùng quý báu giúp ông học tập, tu dưỡng đạo đức của một người lính cụ Hồ. Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ông vẫn nhớ như in những lần đi phá bom cùng đồng đội, khi cái chết cận kề, những người lính cụ Hồ như ông vẫn hiên ngang, tự tin, không chùn bước để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, tất cả vì một mục đích thiêng liêng và cao cả mang lại sự độc lập, tự do cho nước nhà.
Giờ đây, khi khói lửa chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng những đức tính quý báu đó vẫn vẹn nguyên bên trong con người ông Bùi Văn Sòn. Để hôm nay, người lính năm xưa ấy lại tiếp tục chiến đấu trên mặt trận xây dựng quê hương, đóng góp một phần sức lực nhỏ bé giúp đất nước ngày càng mạnh giàu hơn.
Khát vọng xóa mù chữ
Khi hòa bình, ông Bùi Văn Sòn cũng đã lập nên chiến công khi là người đầu tiên ở chốn “thâm sơn cùng cốc”, nơi cái nghèo, cái đói vẫn bủa vây, ông đã dám tự mình đứng ra hiến mảnh đất gần 4000m2 để xây dựng trường.
Hành trình trong cuộc chiến xóa mù chữ của người cựu chiến binh Bùi Văn Sòn đầy gian nan, vất vả. Thời gian đầu, khi nảy sinh ý định hiến đất xây trường, ông đã gặp phải sự phản đối từ những người thân trong gia đình. Nhưng không phải vì vậy mà ông từ bỏ ước mơ. Ông bắt đầu vận động, làm công tác tư tưởng để mọi người tin và ủng hộ ước mơ đó của mình. Mưa dầm thấm lâu, với cái tâm trong sáng, cùng sự thiện tâm, ông Sòn đã dần thuyết phục được mọi người. Vậy là công trình “thế kỉ” của cuộc đời ông đã bắt đầu từ đó.
Thời điểm chúng tôi vượt quảng đường hơn 20 km đường rừng vào với chốn “thâm sơn cùng cốc” này, thì ngôi trường tiểu học B Ngọc Mỹ đã sừng sững đứng đó, khang trang, sạch đẹp, như minh chứng rõ ràng nhất cho giấc mơ mang ánh sáng tri thức về với nơi đây của ông Sòn.
Tuy điều kiện dạy và học của giáo viên và học sinh nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng trên khuôn mặt của tất cả mọi người đều rạng lên niềm vui, sự tự hào khi con em họ đều đã có cơ hội cắp sách tới trường, nuôi dưỡng ước mơ rằng một ngày nào đó sẽ thoát được cái nghèo, cái khổ, thay ông cha các em góp phần xây dựng quê hương, đất nước mình ngày càng giàu đẹp hơn.
Người cựu chiến binh Bùi Văn Son hiến 4000m2 đất xây trường học xóa mù chữ tại Hòa Bình. Ảnh: Đ.Phong
Ngồi bên mái nhà sàn, ông Sòn chỉ tay vào cậu con trai út của mình chia sẻ: Trước đây, thời điểm khi trường chưa được xây dựng, hai cậu con trai lớn của ông chỉ học hết cấp 1, vì nếu muốn học lên phải ra tận ngoài thị trấn. Đường đi khi đó thì vô cùng khó khăn, hiểm trở, phương tiện đi lại thì thiếu thốn đủ đường. Giờ đây, khi trường tiểu học và THCS đã được xây dựng ngay trên chính mảnh đất nơi ông đã “chôn rau cắt rốn”, những đứa trẻ nơi đây đã có thể cắp sách tới trường để theo đuổi ước mơ.
“Tôi hiến đất xây trường, vì không muốn đời con cháu mình mãi phải chịu cái đói, cái nghèo như cha ông chúng. Bản thân tôi cũng như những người đi trước đã phải chịu sự thiệt thòi, không được học hành đến nơi đến chốn, do hoàn cảnh khó khăn, chiến tranh loạn lạc, thì giờ đây khi đất nước đã hòa bình, cuộc sống của người dân cũng đã bớt khổ thì tại sao con em không được cắp sách tới trường”, ông Sòn xúc động chia sẻ.
Rời xóm Cóc khi bóng tối đã dần buông, những ánh lửa lập lòe phát ra từ những ngôi nhà sàn thưa thớt, chúng tôi thầm mong sao cuộc sống của con người nơi đây sẽ bớt khó khăn, vất vả, trẻ em được cắp sách tới trường để nuôi dưỡng những ước mơ. Chúng tôi tự nhủ với lòng mình rằng, có một ngày sẽ trở lại nơi đây.
Đ.Phong – H.Chi
20:00, 17/08/2020
06:30, 17/12/2018
13:34, 18/05/2016