19/01/2025 | 10:18 GMT+7, Hà Nội

Ngứa da không chỉ là bệnh da liễu mà còn cảnh báo bệnh nguy hiểm về gan

Cập nhật lúc: 12/01/2019, 07:00

Khi bị ngứa da, nhiều người thường chỉ nghĩ là do da khô, mắc bệnh da liễu. Tuy nhiên, ngứa da còn là biểu hiện cảnh báo bạn đang mắc bệnh nguy hiểm về gan.

 

Thời gian gần đây, chị Bùi Thị Thà (Hà Nội) thường xuyên thấy ngứa da. Ban đầu chị nghĩ rằng do thời tiết mùa đông da khô và thói quen tắm nước nóng của chị nên mới bị ngứa da như vậy. Vào mỗi buổi sáng, da của chị thường xuất hiện các mảng đỏ, trắng trên toàn thân. Để bớt ngứa, chị đã bôi đủ mọi loại kem dưỡng ẩm.

Dù vậy, đỡ được không lâu chân tay chị lại không ngừng hoạt động để gãi vì ngứa. Đi khám bác sỹ da liễu ở một phòng khám tư, bác sỹ bảo do viêm da kích ứng và kê thêm cho chị thuốc về uống. Dùng hết một tuần, chị vẫn ngứa ngáy khó chịu, ngãi tới tứa máu. Vào viện làm xét nghiệm, chị mới hay nguyên nhân dẫn tới tình trạng chị bị ngứa ngáy, nổi mẩn như vậy là do men gan tăng cao gấp 3 lần bình thường.

 Nếu ngứa da kéo dài nên đi kiểm tra chức năng gan. Ảnh minh họa

Nếu ngứa da kéo dài nên đi kiểm tra chức năng gan. Ảnh minh họa

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội cho biết, ngứa là triệu chứng của nhiều bệnh chứ bản thân nó không phải là bệnh. Đa số biểu hiện ngứa có liên quan đến các bệnh da trong đó đi kèm các triệu chứng khác như da khô, nổi sẩn, mụn nước… Các bệnh da liễu có triệu chứng ngứa có thể kể đến như viêm da cơ địa, nấm da, mề đay… Nhất là vào thời tiết hanh khô, ngày lạnh hiện tượng ngứa da gặp nhiều hơn.

Chính vì điều này mà mọi người thường chỉ nghĩ khi bị ngứa ngáy, nổi mẩn là cho rằng bị viêm da. Tuy nhiên, ngứa da không chỉ đơn thuần là biểu hiện của bệnh ngoài da mà da có dấu hiệu vàng, ngứa da kéo dài là biểu hiện của bệnh lý gan, thận, đái tháo đường… Người bệnh nên đi kiểm tra chức năng gan nhanh chóng để biết chính xác được nguyên nhân gây bệnh. Không điều trị kịp thời dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, tình trạng men gan được xác định qua chỉ số xét nghiệm AST, ALT, GGT. Men gan bình thường có các trị số xét nghiệm đạt AST: 20 - 40 UI/L, ALT: 20 - 40 UI/L, GGT: 20 - 40 UI/L, LDH: 30 - 40 UI/L. Men gan tăng cao cho thấy gan không được khỏe. Gan có nhiều chức năng đặc biệt là chức năng trung hòa độc tố và đào thải độc. Nếu chức năng gan bị suy giảm, những tác nhân này có thể bị tích tụ trong cơ thể và lắng đọng ở da, gây kích ứng và mẩn ngứa.

Để đảm bảo sức khỏe, mọi người nên lưu ý có thói quen đi kiểm tra chức năng gan 1 năm 2 lần. Trường hợp men gan tăng cao, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân để điều trị kịp thời. Nhất là với những người có tiền sử bị viêm gan vi rút, bệnh nhân đang dùng thuốc tây y, đông y và những trường hợp bệnh nhân điều trị hóa chất, những người uống rượu nhiều, béo phì… Bởi gan không khỏe mạnh, việc loại bỏ các độc tố trong máu sẽ không được hiệu quả dễ tiềm ẩn các bệnh lý nguy hiểm.

Mọi người cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, đồ ăn nhanh chế biến sẵn, nên lựa chọn các món ăn thanh đạm, dễ tiêu hóa, có tính mát… Sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý giúp gan cũng như các cơ quan khác trong cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng, tránh thức quá khuya.

Phương Thuận