07/05/2024 | 15:19 GMT+7, Hà Nội

Nghiên cứu đề xuất áp dụng cơ chế chi trả chỉ số môi trường rừng

Cập nhật lúc: 26/12/2020, 14:50

Áp dụng cơ chế chi trả chỉ số môi trường rừng theo nguyên tắc địa phương phát triển công nghiệp, phát thải CO2 phải mua chỉ số môi trường rừng sẽ thúc đẩy các địa phương trồng rừng, người dân sống tốt hơn bằng nghề rừng.

Cơ chế chi trả chỉ số môi trường rừng sẽ giúp người dân sống tốt hơn bằng nghề rừng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế áp dụng chỉ số môi trường rừng.

Trước đó, ngày 7/12/2020, ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương có thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó đề xuất: “Cần có chính sách cụ thể, rõ ràng đó là xây dựng và áp dụng bộ chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 và thực hiện nguyên tắc địa phương nào phát triển công nghiệp, thải nhiều CO2 thì phải mua chỉ số này”.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế áp dụng chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 theo nguyên tắc địa phương phát triển công nghiệp, phát thải CO2 phải mua chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 để thúc đẩy các địa phương trồng rừng, người dân sống tốt hơn bằng nghề rừng.

Từ năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nền móng cho một chương trình quốc gia về chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES). Hai trong những văn bản quan trọng nhất là Quyết định 380/TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm PFES ở hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La, và Nghị định số 99 ngày 24/9/2010 của Chính phủ về thực hiện PFES trên phạm vi cả nước.

Với những quy định này, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, sau Mexico và Costa Rica.

Cơ chế thực hiện PFES rất đơn giản: Kết nối các nhà quản lý rừng ở địa phương với người sử dụng dịch vụ môi trường rừng thông qua chi trả trực tiếp.

Những người sử dụng dịch vụ môi trường rừng ở vùng hạ lưu trả tiền cho những người quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn, như nhà máy thủy điện ở vùng hạ lưu trả tiền cho các nhà quản lý rừng đầu nguồn thuộc diện tích lưu vực.

Tuy nhiên, trong thực tế, PFES đòi hỏi những thay đổi căn bản khi xây dựng cơ cấu thể chế của các chương trình lâm nghiệp.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, về lâu dài, cần thiết lập các mối quan hệ kinh tế trực tiếp giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ môi trường rừng thay cho các chương trình mang tính chỉ đạo tập trung của các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp.

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/nghien-cuu-de-xuat-ap-dung-co-che-chi-tra-chi-so-moi-truong-rung-post110594.html