19/01/2025 | 15:35 GMT+7, Hà Nội

Nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đăng tải sai sự thật

Cập nhật lúc: 01/06/2020, 15:02

Bạn đọc hỏi: Có những thời điểm, nhiều người lợi dụng dịch Covid-19 đã có hành vi đăng tin giả mạo, sai sự thật nhằm mục đích “câu like” trên mạng xã hội. Điều đó đã gây hoang mang dư luận, gây thêm nhiều khó khăn...

Bạn đọc hỏi: Có những thời điểm, nhiều người lợi dụng dịch Covid-19 đã có hành vi đăng tin giả mạo, sai sự thật nhằm mục đích “câu like” trên mạng xã hội. Điều đó đã gây hoang mang dư luận, gây thêm nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Hành vi đó sẽ bị xử phạt như thế nào? Nguyễn Thị Yến (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa)

Luật sư Vũ Quang Vượng trả lời: 

Tại điểm d, Khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng quy định hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Về xử phạt vi phạm hành chính: 

Theo điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên các trang mạng xã hội sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn như sau:

“1.4. Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288.

1.5. Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155”.

Theo hướng dẫn trên thì có 2 tội danh áp dụng trong trường hợp này:

- Một là, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự. Tội danh áp dụng đối với hành vi đưa tin tình hình dịch bệnh giả mạo, xuyên tạc, sai sự thật. Mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

- Hai là, tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự. Tội danh áp dụng đối với hành vi đưa thông tin cá nhân, bí mật đời tư trái phép của cá nhân liên quan đến dịch bệnh Covid-19 nhưng phải xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của những người này. Việc chứng minh hậu quả xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự là bắt buộc để truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh này. Mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù.