19/01/2025 | 06:08 GMT+7, Hà Nội

Nghi án đất giáo dục bị xẻ thịt - Quy trình cấp GCNQSDĐ nhiều điểm "mập mờ"

Cập nhật lúc: 05/09/2019, 10:30

Xuất hiện thêm nhiều dấu hiệu sai phạm trong quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho trường THCS Nguyễn Du, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên...

Vì đâu một thửa đất phải cắt đôi?

Trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên Quyết định phê duyệt giao thêm 4.266m2 đất mục đích xây dựng trường học tại Quyết định số: 2372/QĐ-UB ngày 02/10/2003 cùng diện tích cũ, không có quyết định thu hồi và biên bản bàn giao mốc giới mặt bằng thực hiện dự án. Song bằng cách nào đó hàng nghìn m2 đất tại trường THCS Nguyễn Du, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên bỗng nhiên “biến mất”.

Hệ thống nhà hàng Á - Âu được xây dựng và hoạt động rầm rộ ngay trên đất giáo dục gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy...

Sau khi dự án hình thành thì các mặt tiền của nhà trường được “hô biến” thành điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, đất thương mại, gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập. Bất cập kéo theo như: ống khói, ống thông gió, lốc điều hòa,… của các cơ sở kinh doanh thản nhiên chĩa thẳng vào phòng học, ô nhiễm tiếng ồn. Trong khi đó, lãnh đạo phường Hoàng Văn Thụ vẫn khẳng định: Diện tích nhà trường không thay đổi, chỉ rộng thêm chứ không bị thu hẹp đi(!?)

...ống khói, ống thông gió, lốc điều hòa,… của các cơ sở kinh doanh chĩa thẳng về phía phòng học...

Từ nguồn tin riêng PV có được, từ quy trình đề xuất cho tới thời điểm GCNQSDĐ được cấp cho nhà trường chỉ được thông qua dưới thời quyền Hiệu trưởng, nhưng những đề xuất thủ tục xin cấp trước đó của nguyên Hiệu trưởng nhà trường lại không được địa phương chấp thuận. Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những điểm bất minh nêu trên?.

Trường THCS Nguyễn Du, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên đang bị lấn chiếm đất giáo dục phục vụ mục đích thương mại.

Được biết, ngày 01/3/2018 bà Đinh Thị Nga, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du nghỉ hưu theo chế độ. Ngày 20/3/2018, bà Nguyễn Thị Xuân, Hiệu phó được đảm nhận quyền Hiệu trưởng trong thời gian chờ đợi bổ nhiệm Hiệu trưởng mới. Sau khi giữ quyền Hiệu trưởng, bà Xuân gấp rút thực hiện việc xin cấp GCNQSDĐ cho nhà trường và được thông qua rất thuận lợi.

Ngày 05/11/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đồng thuận cấp GCNQSDĐ cho trường Nguyễn Du với tổng diện tích 2.744,3m2 trên hai sổ số 1913 và 1914. Lạ lùng ở đây chính tại GCNQSDĐ trường THCS Nguyễn Du được cấp, phần diện tích các mặt tiền tiếp giáp đường Minh Cầu, đường Bắc Sơn không nằm trong diện tích đất của nhà trường cho dù xuyên suốt quy trình biên bản hiện trạng, tờ trình, đề xuất,… đều khẳng định diện tích đất xin cấp là diện tích được giao bổ sung theo căn cứ theo Quyết định số: 2372/QĐ-UB ngày 02/10/2003 của UBND tỉnh. Kỳ quặc hơn, trong phần diện tích được cấp bỗng mọc ra con đường giao thông cắt ngang sân thể dục nhà trường đang sử dụng và không có các điểm tiếp giáp để xác định mốc giới cụ thể của nhà trường.

Trong quyết định số 2372/QĐ-UB ngày 02/10/2003 của UBND tỉnh Thái Nguyên giao đất cho trường Nguyễn Du thì toàn bộ con đường giao thông xung quanh trường do UBND phường Hoàng Văn Thụ quản lý cũng được giao và đặc biệt hai thửa đất: Ao số: 279 sẽ nằm phía tiếp giáp của trường Nguyễn Du tại đường Bắc Sơn; Ao số: 358 là diện tích tiếp giáp đường Minh Cầu và đường dân sinh.

Nếu căn cứ theo đúng Quyết định số: 2372/QĐ-UB ngày 02/10/2003 được giao thì quá trình làm đường, diện tích trường THCS Nguyễn Du được giao sau khi làm đường vẫn là một góc vuông nằm trong cùng một diện tích. Khó hiểu khi con đường hoàn thành, diện tích được giao theo Quyết định số: 2372/QĐ-UB lại biến thành phần diện tích thương mại.

Quyết định số: 2372/QĐ-UB ngày 02/10/2003 của UBND tỉnh Thái Nguyên thì hiện trạng GCNQSDĐ số: 1913 và 1914 phải là một bởi phần diện tích trên GCNQSDĐ số: 1913 thể hiện phần diện tích tại thửa số 279, 358 và phần đường dân sinh. Tại GCNQSDĐ số: 1914 thể hiện diện tích tại thửa số 286, 285 và phần đường dân sinh. Tại sao quá trình lập biên bản thực tế lại phải tách biệt thành hai thửa đất?

Con đường được xây dựng trên nguồn vốn xã hội hoá

Giữa bản đồ hiện trạng trên GCNQSDĐ số 1913 và 1914 thể hiện con đường giao thông cắt giữa nằm trên diện tích hiện trạng sân thể dục trường THCS Nguyễn Du.

Giữa GCNQSDĐ số 1913 và 1914 trường THCS Nguyễn Du bỗng mọc lên con đường giao thông nằm trên diện tích sân thể dục...

Từ thông tin PV có được thì phần diện tích thể hiện con đường 4m đi qua phần sân thể dục của trường THCS Nguyễn Du xây dựng trên nguồn vốn xã hội hóa… Trao đổi với nhiều phụ huynh học sinh trường THCS Nguyễn Du được hay: Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho Giáo dục là vô cùng khó khăn, năm 2015 bằng tiền đóng góp của Nhân dân phục vụ cho hoạt động học tập của con em mình nên trường Nguyễn Du đã xây dựng được hệ thống tường rào, cùng với đó là sân tập thể dục cho các cháu. Tuy nhiên, không hiểu ngọn nguồn từ đâu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhà trường lại vô tư để cho doanh nghiệp lấn chiếm mặt tiền, xây dựng nhà thương mại, nhà hàng. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

GCNQSDĐ số 1914 lại thiếu hụt nghiêm trọng diện tích số m2 đất được giao...

Trong khi đó, nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước đều nhấn mạnh về vai trò quan trọng của kêu gọi xã hội hóa chung tay phát triển giáo dục và đào tạo như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công thư số 281/LĐCP ngày 06 tháng 9 năm 2016 cũng nhấn mạnh: “... huy động mọi nguồn lực xã hội, làm sao để trong 1 đến 2 năm tới có sự tiến bộ rõ rệt về phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, nhất là cho cấp tiểu học, trung học cơ sở và các trường học ở vùng sâu, vùng xa...”, đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tiễn nêu trên, để tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020.

Qua cuộc điện trao đổi nhanh, ông Quản Chí Công - Phó chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên thông tin: "Hiện tại, UBND TP đã giao cho các phòng ban chuyên môn kiểm tra, báo cáo. Sự việc cách đây hai chục năm nên thành phố không nắm rõ. Chúng tôi sẽ thông tin tới báo chí sau... 

Cấp uỷ chính quyền rất quan tâm đến giáo dục, nhưng để biết chính xác về việc sử dụng quỹ đất giáo dục tại trường THCS Nguyễn Du thì PV được ông Công hướng dẫn tới UBND tỉnh Thái Nguyên mới có thể tìm được câu trả lời chính xác (?!)

Đây cũng chính một câu hỏi lớn cần được nhà trường và các đơn vị, cơ quan quản lý trả lời minh bạch, rõ ràng để đảm bảo chất lượng giáo dục cho thế hệ tương lai của đất nước.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.