19/01/2025 | 15:34 GMT+7, Hà Nội

Ngay sau khi sinh, mẹ nên thực hiện thao tác này để tránh con đi “chân thấp, chân cao” về sau

Cập nhật lúc: 22/06/2019, 01:01

Nếu không được bố mẹ phát hiện sớm sẽ dẫn tới hậu quả lâu dài cho trẻ như dáng đi bất thường, vẹo cột sống, biến dạng khung xương chậu làm ảnh hưởng tới khả năng sinh đẻ sau này đối với bé gái.

Cách đây hơn 2 năm, bệnh nhi N.H.N (4 tuổi, ở Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An) được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám với triệu chứng dáng đi tập tễnh, "chân thấp, chân cao".

Sau khi thăm khám và chụp phim, bé được chẩn đoán là trật khớp háng bẩm sinh và đã được tiến hành phẫu thuật khớp háng.

 

 Hình ảnh khớp háng bình thường và khớp háng bị trật. Ảnh TL

Hình ảnh khớp háng bình thường và khớp háng bị trật.

2 năm sau ca phẫu thuật, bé N đến tái khám tại bệnh viện. BS Lê Như Dũng, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng cho biết, ông rất ngạc nhiên vì thấy bé chạy nhảy, đi lại bình thường như các cháu khác, không còn dáng đi tập tễnh.

Bé N đã đứng được thẳng, không còn vẹo người một bên như trước đây. Kết quả chụp phim cho thấy, khớp háng của cháu đã hoàn toàn bình thường. Đây là một kết quả rất khả quan đối với bệnh nhi này.

Trật khớp háng bẩm sinh là gì?

Theo các bác sĩ, trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh chiếm tỷ lệ hiếm gặp (1/800 - 1000 trẻ). Nếu được phát hiện bệnh kịp thời ngay sau sinh, bé chỉ cần duy trì tư thế khớp háng dạng và đầu gối thấp trong khoảng 2 tháng như đóng bỉm vệ sinh, dùng tã gấp dày để giữ cho khớp háng dạng ra; cõng hoặc địu trẻ; đặt trẻ nằm sấp khi ngủ. Với những cách này thông thường sau từ 3 đến 4 tuần, khớp háng sẽ trở lại vị trí bình thường.

Tuy nhiên, trật khớp háng ở trẻ thường không được phát hiện sớm, bởi khi bị bệnh, trẻ không cảm thấy đau, không quấy khóc. Đa số các gia đình chỉ đưa con đi khám khi bé đã biết đi hoặc có các dấu hiệu như đi tập tễnh, một chân yếu hẳn so với chân còn lại... dẫn tới điều trị khó khăn.

Trật khớp háng nếu không được bố mẹ phát hiện sớm sẽ dẫn tới hậu quả lâu dài cho trẻ như dáng đi bất thường, vẹo cột sống, biến dạng khung xương chậu làm ảnh hưởng tới khả năng sinh đẻ sau này đối với bé gái.

8 dấu hiệu để phát hiện trẻ có bị trật khớp háng hay không?

 Sau khi sinh, bố mẹ nên so sánh 2 chân của trẻ xem có bất thường gì không để dự phòng nguy cơ bị trật khớp háng. Ảnh minh họa

Sau khi sinh, bố mẹ nên so sánh 2 chân của trẻ xem có bất thường gì không để dự phòng nguy cơ bị trật khớp háng. Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ, trật khớp háng bẩm sinh là bệnh có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc trong vài tuần đầu sau sinh. Các dấu hiệu bố mẹ cần lưu ý để phát hiện bệnh của bé như:

- Chênh lệch chiều dài hai chân, chân bị trật khớp háng ngắn hơn chân còn lại, tuy nhiên sẽ khó phát hiện khi trật khớp háng cả hai bên

- Nếp lằn mông, đùi ở chân bên trật ít hơn và cao hơn bên lành

- Bàn chân đổ ngoài khi trẻ nằm duỗi chân

- Tư thế gấp gối, khớp gối bên trật thấp hơn

- Hạn chế gấp và dạng khớp háng bên bị trật

- Dáng đi khập khiễng nếu trật khớp háng hai bên

- Khi gấp và khép háng, chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp tạo nên tiếng kêu lục cục (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi)

- Khi dạng và duỗi khớp háng, chỏm xương đùi trượt ra khỏi ổ khớp tạo nên tiếng kêu tương tự.

Các bác sĩ khuyến cáo, để giúp dự phòng và điều trị sớm bệnh trật khớp háng, sau khi sinh, bố mẹ cần so chân để kiểm tra cho trẻ, nếu có nghi ngờ về bệnh trật khớp háng bẩm sinh thì cần đưa trẻ đi siêu âm tầm soát để có thể phát hiện và điều trị kịp thời, tránh hệ lụy về sau.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/song-khoe/ngay-sau-khi-sinh-me-nen-thuc-hien-thao-tac-nay-de-tranh-con-di-chan-thap-chan-cao-ve-sau-20190620151603947.htm