20/01/2025 | 06:09 GMT+7, Hà Nội

Ngày 1/5: Tôn vinh sức mạnh đoàn kết của người lao động

Cập nhật lúc: 01/05/2021, 15:37

Ngày Quốc tế Lao động (1/5) là ngày lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới dành để tôn vinh người lao động, thắt chặt tình đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.

Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy làm việc. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ "Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!" Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.

Kể từ đó, ngày 1/5 được xem là ngày biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước và cũng là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trực tiếp xuống hầm, trò chuyện với những người thợ lò Cty cổ phần than Núi Béo (Quảng Ninh)
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trực tiếp xuống hầm, trò chuyện với những người thợ lò Cty cổ phần than Núi Béo (Quảng Ninh)

Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Ngày 1/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ.

Lần đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội Đỏ, công nhân và nông dân mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đây cũng là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi cả nước đoàn kết đấu tranh, tỏ rõ sức mạnh vô địch, sứ mệnh lịch sử, nghị lực phi thường của khối liên minh Công - Nông. Đó là điểm bắt đầu cho cả cao trào 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Đặc biệt ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới, thợ hỏa xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo… Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22 NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ tết, lễ kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương.

Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.

Từ đó, Ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày hội lớn của 2 giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.

 Giai cấp công nhân-lực lượng hùng mạnh, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới
Giai cấp công nhân-lực lượng hùng mạnh, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là qua hơn 20 năm đổi mới, cùng với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, giai cấp công nhân đã trở thành một lực lượng hùng mạnh, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của đất nước, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, củng cố khối liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Giai cấp công nhân cũng là lực lượng chủ yếu vận hành, sử dụng những phương tiện, công cụ sản xuất hiện đại, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế trong giai đoạn cuộc CMCN 4.0. Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2021), giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đoàn kết, sát cánh cùng công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động lao động sản xuất, kinh doanh,  một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí, những đóng góp to lớn của lực lượng công nhân và người lao động cho sự phát triển của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, hồi phục nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay thực sự có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước phát huy vai trò nòng cốt bằng những hành động thiết thực, góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguồn: https://baodansinh.vn/ngay-1-5-ton-vinh-suc-manh-doan-ket-cua-nguoi-lao-dong-20210501110457343.htm