24/11/2024 | 07:18 GMT+7, Hà Nội

Ngành Du lịch lên kế hoạch đón khách quốc tế: Lấy lại sức bật

Cập nhật lúc: 22/05/2020, 16:45

Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam đang gây ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia dự báo, khi thế giới hết dịch, Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới...

Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam đang gây ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia dự báo, khi thế giới hết dịch, Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, thu hút đông đảo du khách quốc tế. Thời điểm này, ngành Du lịch đang tăng cường khâu quảng bá, khẳng định sự an toàn của các điểm đến, để nhanh chóng lấy lại sức bật, sẵn sàng các kế hoạch đón khách quốc tế.

Phát huy thế mạnh về vẻ đẹp thiên nhiên của các điểm đến cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ tạo sức bật cho du lịch Việt Nam. Trong ảnh: Khu du lịch Vườn chim Thung Nham (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Mạnh Thắng

Điểm đến an toàn và hấp dẫn

Mới đây, kênh truyền hình Australia 7News đã thực hiện chương trình chuyên đề, đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, đặc biệt ca ngợi vẻ đẹp và sự an toàn của du lịch Việt. Bên cạnh việc giới thiệu nhiều hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam được quay tại Hội An (tỉnh Quảng Nam), Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Ninh Bình, Hà Nội, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh)…, kênh truyền hình của Australia đã phỏng vấn ông Matt Young - Thư ký Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam để có thông tin chính xác về tình hình phòng, chống dịch Covid-19. “Việt Nam an toàn và chào đón khách du lịch quốc tế, khi điều kiện cho phép. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên kết nối lại với Australia để du khách có thể trải nghiệm nhiều điều thú vị và độc đáo tại Việt Nam”, ông Matt Young bày tỏ.

Việt Nam - Điểm đến an toàn và hấp dẫn, đó cũng là thông điệp được Hãng tin CNN (Mỹ) truyền tải thông qua bài viết của tác giả Katie Lockhart, một du khách “mắc kẹt” tại Việt Nam vì dịch Covid-19. Hành trình trải nghiệm bất đắc dĩ của Katie Lockhart giúp độc giả quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc sống yên bình, an toàn tại Việt Nam trong khoảng thời gian giãn cách xã hội. “Phản ứng nhanh nhạy, đúng đắn cùng chính sách nghiêm ngặt cho phép Việt Nam đối phó với dịch Covid-19 hiệu quả hơn bất kỳ quốc gia nào. Hoạt động du lịch nội địa đã khởi động lại, nhiều điểm di tích đã mở cửa chào đón du khách”, tác giả Katie Lockhart thông tin.

Nỗ lực bảo đảm an toàn cho người dân và du khách giúp Việt Nam nâng cao uy tín với thế giới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới, như: Travel + Leisure (Mỹ), The Guardian (Anh)… đã bình chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu sau dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam “ghi điểm” với bạn bè thế giới. Đó là điều kiện thuận lợi để ngành Du lịch thúc đẩy hoạt động quảng bá “Việt Nam - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” và có thể khôi phục thị trường nhanh hơn dự kiến.

Kích cầu và đẩy mạnh quảng bá

Hiện nay, ngành Du lịch đang tăng cường khâu quảng bá, khẳng định sự an toàn của các điểm đến sẵn sàng đón khách quốc tế. Trong ảnh: Carnival đường phố, một trong những hoạt động thu hút du khách tại Hà Nội. Ảnh: Sơn Hà

Để thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa tổ chức hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt”, với sự tham gia của 30 tỉnh, thành phố, hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực hàng không, lữ hành, du lịch… trong nước và quốc tế. Hội nghị này nhằm thúc đẩy các hoạt động quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, phát triển du lịch nội địa, đồng thời cung cấp những thông tin hữu ích, sát thực cho cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực du lịch xây dựng kế hoạch đón khách quốc tế, ngay khi điều kiện cho phép.

Đề cập đến khả năng phục hồi sớm của ngành Du lịch Việt Nam, bà Emily Nguyễn - đại diện Google châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, những cố gắng của Việt Nam trong việc khống chế dịch Covid-19 đã cho phép tiến hành các bước phục hồi du lịch. Số liệu thống kê của Google cho thấy, trong 6 tuần gần đây, lượng tìm kiếm liên quan tới du lịch biển ở Việt Nam tăng gấp đôi. Dù vậy, Việt Nam vẫn cần thực hiện chiến lược quảng bá chuyên nghiệp hơn trên các nền tảng công nghệ số, ví như có thể tận dụng chương trình đào tạo của Google dành cho 500.000 nhân sự của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong 2 năm tới.

Hiện tại, việc quảng bá du lịch Việt Nam đang được đẩy mạnh triển khai trên diện rộng. Bên cạnh cuộc thi video clip quảng bá du lịch Việt Nam do Tổng cục Du lịch phát động từ nay đến ngày 15-6-2020, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng có những cách làm hay trong hoạt động quảng bá, hướng tới thị trường nội địa và quốc tế.

Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài cho biết, công ty đã xây dựng website riêng, sử dụng ứng dụng công nghệ 3D, đồ họa giới thiệu các điểm đến của Việt Nam tới cả khách nội địa và quốc tế. Còn theo Phó Giám đốc Công ty Vietravel - chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy, doanh nghiệp đang tập trung quảng bá thông tin các điểm đến du lịch Việt Nam trên mạng xã hội Facebook, Zalo...

Bên cạnh việc phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, ngành Du lịch Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020 như kế hoạch đề ra trước khi có dịch Covid-19. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, để tiếp tục khẳng định Việt Nam thật sự là “điểm sáng” trên bản đồ du lịch thế giới, bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, toàn ngành cần nâng cao chất lượng dịch vụ để khởi động lại, sẵn sàng đón khách quốc tế một cách chu đáo ngay khi điều kiện cho phép.

Chiều 21-5, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu dịch Covid-19. Các đại biểu cho rằng, để chuẩn bị tốt cho việc phục hồi du lịch quốc tế, ngành Du lịch cần nhanh chóng tiếp cận thị trường quốc tế trọng điểm, đó là những quốc gia đang phòng, chống dịch tốt, đồng thời có chính sách hỗ trợ visa dài hạn cho công dân những quốc gia này.