Ngành du lịch cần bộ tiêu chí an toàn để phục hồi
Cập nhật lúc: 24/10/2021, 20:27
Cập nhật lúc: 24/10/2021, 20:27
Trước các kiến nghị, đề xuất của DN du lịch, ngày 20/10/2021, Bộ VHTT&DL đã ban hành hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc “Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động VHTT&DL.
Địa phương, doanh nghiệp lên phương án phục hồi
Từ đầu tháng 10 đến nay, khi các tỉnh, thành phố gỡ bỏ giãn cách xã hội, ngành du lịch bắt đầu tái khởi động chương trình hồi phục du lịch hậu Covid-19. Tại buổi tọa đàm "Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19" do Bộ VHTT&DL vừa tổ chức, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho biết, tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch mở cửa du lịch theo 4 giai đoạn. Cụ thể giai đoạn 1 (dự kiến cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021), tập trung đón khách du lịch nội tỉnh; giai đoạn 2 và 3 (dự kiến vào tháng 12/2021) sẽ thí điểm đón khách du lịch từ các tỉnh, thành đã kiểm soát dịch Covid-19; giai đoạn 4 (từ tháng 6/2022) sau khi Phú Quốc đón thí điểm khách quốc tế thành công, Quảng Nam sẽ đề xuất cho phép đón khách quốc tế. “Việc mở cửa đón khách sẽ gắn với công tác kiểm soát chặt quy trình phòng chống dịch nhằm tái khởi động cơ bản hoạt động du lịch những tháng cuối năm” - ông Tường khẳng định.
Tương tự, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh thông tin, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch hậu Covid-19. Theo đó, từ nay đến ngày 15/11 bên cạnh việc cho phép các khu du lịch, khách sạn đón du khách nội tỉnh, tỉnh Khánh Hòa còn đồng ý cho DN lữ hành đón khách du lịch các tỉnh bạn đã có thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19. Giai đoạn từ ngày 16/11 đến hết ngày 31/12/2021 ngành du lịch trở lại trạng thái bình thường mới.
Thực tế cho thấy, từ đầu tháng 10 đến nay nhiều DN du lịch đã bắt đầu triển khai phương án phục hồi thông qua việc xây dựng, nâng cấp chất lượng tour, tuyến. Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Lê Hương cho biết, đơn vị đã kết hợp với tỉnh Hà Giang triển khai sản phẩm kích cầu "Tinh hoa cực Bắc - Sắc màu Hà Giang" 5 ngày, 4 đêm, qua đó du khách có thêm cơ hội trải nghiệm đường tour TP Hồ Chí Minh - Hà Nội - Hà Giang.
Đại diện Công ty TNHH MTV Oxalis thông tin, UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý từ nay đến 30/6/2022 cho phép Oxalis phối hợp với Sở Du lịch Quảng Bình tổ chức chương trình "Khám phá Quảng Bình trong điều kiện bình thường mới". Tour du lịch này được tổ chức theo quy trình khép kín, đón khách từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Quảng Bình du lịch thông qua hình thức bay nguyên chuyến (charter) hoặc xe giường nằm, kết hợp vận chuyển, phục vụ khép kín.
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, ngay từ cuối tháng 9, để chuẩn bị cho du lịch Thủ đô tái khởi động, các DN lữ hành đã phối hợp với các quận huyện xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình mới.
Chủ tịch CLB Du lịch Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng than phiền, một số địa phương xây dựng tiêu chí an toàn nhưng chưa thống nhất tiêu chí, quy định vận chuyển du khách tham gia tour du lịch an toàn. “Nếu mỗi địa phương áp dụng những tiêu chí khác nhau thì toàn ngành du lịch khó có thể phục hồi như mong muốn. Nếu địa phương thực hiện đơn lẻ thì địa phương cũng không thể phát triển ngành du lịch hồi phục trong tổng thể chung”- ông Hùng phân tích.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nêu rõ, thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 còn thấp, nên chưa mạnh dạn mở cửa và vẫn chờ tiêm vaccine đủ 2 mũi mới cho phép đón khách từ các tỉnh thành khác. Điều này khiến một bộ phận DN còn e ngại về tính hiệu quả việc xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch hậu Covid-19. Chưa hết, hiện một số tỉnh, thành chỉ dừng lại ở việc mở cửa đón khách nội tỉnh, trong khi du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao.
“Việc mở cửa đón khách nội tỉnh chỉ giúp địa phương bước đầu có khách, còn để du lịch thật sự hồi phục bền vững vẫn phải có sự liên kết giữa các địa phương với nhau. Để làm được điều này đòi hỏi phải có bộ tiêu chí áp dụng cho tất cả các địa phương” - ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kiến nghị, để ngành du lịch tái khởi động hiệu quả đòi hỏi Bộ VHTT&DL sớm ban hành khung tiêu chuẩn chung về thẻ xanh (dành cho người đã tiêm đủ liều vaccine) và thẻ vàng (dành cho người tiêm 1 mũi vaccine). Từ đó, các tỉnh, TP hiểu và áp dụng thống nhất phương án đón du khách, không gây ách tắc trong quá trình đưa đón khách du lịch.
Ngoài ra, Bộ Y tế cần phối hợp với VHTT&DL ban hành tiêu chuẩn chung trong phòng, chống dịch nhất là trong quy định về cách ly, phong tỏa để cho DN và khách nắm rõ yên tâm đi du lịch. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cũng đề nghị, Sở Du lịch và Y tế các tỉnh, thành cần đẩy mạnh liên thông trong việc tổ chức tour, nắm bắt thông tin lịch sử dịch tễ, xét nghiệm của du khách khi tới địa phương du lịch có bảo đảm an toàn phòng chống Covi-19 hay không.
Trước những lo lắng từ phía DN về tiêu chí chung của ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt thông tin, ngày 20/10, Bộ VHTT&DL đã ban hành hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc “Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động VHTT&DL.
Cụ thể đối với vùng cấp độ 1 và 2, cơ sở kinh doanh du lịch được hoạt động 100% công suất; di tích, bảo tàng hoạt động bình thường (hoặc không phục vụ quá 20 người). Các điểm tham quan phải tạo mã QR để quản lý người ra, vào và khai báo y tế; người hướng dẫn, thuyết minh phải tiêm ít nhất một liều vaccine đủ 14 ngày trở lên hoặc khỏi bệnh và có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Đối với vùng cấp độ 3: Hoạt động tham quan tại điểm du lịch và sự kiện tập trung trong nhà, các chương trình du lịch theo nhóm dưới 25 người.
Cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống, phương tiện đưa đón ở khu du lịch không hoạt động quá 50% công suất; di tích, bảo tàng thực hiện quy định giống cấp độ 2 nhưng không quá 10 người/đoàn. Đối với vùng cấp độ 4: Dừng hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch, tour du lịch và các sự kiện trên 20 người trong nhà. Các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống được hoạt động nhưng không quá 30% công suất, phương tiện đón khách không sử dụng quá 50% số ghế.
“Việc ban hành hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ sẽ tạo ra sự thống nhất giữa các tỉnh thành trong việc xây dựng kế hoạch phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19, từ đó tạo điều kiện cho DN xây dựng, khai thác tour, tuyến mới”- Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nêu rõ.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nganh-du-lich-can-bo-tieu-chi-an-toan-de-phuc-hoi-438722.html
17:00, 22/10/2021
07:06, 22/10/2021
14:54, 18/10/2021