Ngân hàng NCB “ngồi trên giời” giải ngân khiến nhà đầu tư khóc ròng?
Cập nhật lúc: 15/08/2019, 06:20
Cập nhật lúc: 15/08/2019, 06:20
Việc các pháp nhân thỏa thuận về hợp đồng mua bán (HĐMB) căn hộ cũng như thế chấp, vay vốn tại Dự án 317 Trường Chinh đã nảy sinh hàng loạt những rắc rối. Và khi đó, người chịu thiệt không ai khác chính là khách hàng mua căn hộ tại dự án.
Khách hàng khóc ròng vì "mắc cạn" tại NCB
Như Reatimes đã phản ánh trong bài viết “Ai được quyền bán căn hộ của dự án?”, Công ty CP Tư vấn đầu tư dự án Quốc tế - gọi là Công ty ICC và Công ty CP Thương mại và Đầu tư xây dựng Tân Hồng Hà – gọi là Công ty Tân Hồng Hà đã có thỏa thuận về vấn đề tài chính, để Công ty Tân Hồng Hà có thể tiếp tục xây dựng dự án Khu siêu thị, văn phòng giao dịch thương mại và nhà ở - gọi là Dự án (tại địa chỉ 317 Trường Chinh, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội).
Cụ thể, Công ty ICC (thời điểm này ông Nguyễn Minh Khoa đang là đại diện pháp luật) sẽ thế chấp Dự án, vay tiền ngân hàng cho Công ty Tân Hồng Hà, để có vốn thi công xây dựng. Trong đó, Công ty Tân Hồng Hà chịu trách nhiệm trả cho ngân hàng cả vốn và lãi. Đến nay, Công ty ICC đã vay của Ngân hàng TMCP Quốc dân NCB (NCB) và chuyển cho Công ty Tân Hồng Hà cả vốn lẫn lãi là trên 100 tỷ đồng.
Về quyền lợi, Công ty ICC vẫn đảm bảo quyền khai thác toàn bộ các căn hộ và sàn thương mại tòa 24 tầng cho Công ty Tân Hồng Hà thông qua HĐMB sản phẩm (Hợp đồng số 0110/HĐMB-ICC và số 0210/HĐMB-ICC được ký vào ngày 1/10/2016), với giá bán là 19,8 triệu đồng/m2 sàn căn hộ và 6,6 triệu đồng/m2 sàn thương mại (đã bao gồm 10% VAT và 2% phí bảo trì).
Ngay sau khi ký HĐMB, Công ty ICC xuất hóa đơn VAT 30% giá trị hợp đồng và Công ty Tân Hồng Hà phải thanh toán số tiền bằng 30% giá trị hợp đồng đã xuất hóa đơn này. Tuy nhiên, Công ty Tân Hồng Hà đã nhận hóa đơn để khai thuế, nhưng không trả tiền cho Công ty ICC theo thỏa thuận. Mọi câu chuyện rắc rối, tranh chấp giữa 2 công ty có lẽ cũng bắt đầu từ đây.
Thời điểm này, cũng cần phải nhắc đến vai trò của Công ty TNHH Hợp tác và Đầu tư Bất động sản Linh Anh - Công ty Linh Anh, là đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan. Theo đó ngày 3/8/2015, Công ty Tân Hồng Hà đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02/2015 – HTĐT với Công ty Linh Anh và đơn vị này “được độc quyền khai thác kinh doanh sản phẩm của dự án là các căn hộ được giao tương ứng với phần vốn đầu tư”.
Theo thỏa thuận, hai công ty này cùng nhau hợp tác đầu tư vào sàn căn hộ từ tầng 15 đến tầng 24, căn hộ từ tầng 8 đến tầng 12 và các căn thuộc tầng 13 (gồm 1301, 1302, 1306, 1307) thuộc Dự án, với tổng diện tích 10.000m2. Theo hợp đồng, tổng giá trị vốn góp đầu tư của Công ty Linh Anh là 295 tỷ đồng (đã bao gồm 10% VAT).
Sau khi dự án đủ điều kiện mở bán, Công ty Linh Anh thực hiện giới thiệu và chào bán căn hộ. Tuy nhiên, thời điểm đó nhiều khách hàng phản ánh không được vay tiền tại ngân hàng. Bởi vì, NCB từ chối không cho khách hàng vay tiền, do Dự án đang được thế chấp tại NCB với số tiền là 87 tỷ đồng.
Nên nhớ rằng, khoảng thời gian này ông Nguyễn Minh Khoa vẫn còn làm Chủ tịch HĐQT của Công ty ICC. Ông này bị cho là đã “vi phạm” nghĩa vụ tài chính với NCB, khi khách hàng mua căn hộ đã đóng tiền vào Ngân hàng MB. Đặc biệt, phía NCB cũng không hề biết Công ty ICC (thời điểm này ông Nguyễn Khoa là người đại diện pháp luật) đã giao lại quyền ký HĐMB cho Công ty Tân Hồng Hà (tại thông báo số 10/2016/TB-ICC ngày 5/12/2016).
Theo đó, Công ty Tân Hồng Hà và Công ty ICC đã thông qua Hợp đồng hợp tác và phụ lục trong đó thể hiện Công ty Tân Hồng Hà đã bán cho Công ty Linh Anh gần như toàn bộ số căn hộ hình thành trong tương lai tại Dự án. Trong khi đó, phía Sở Công thương Hà Nội lại ra thông báo Công ty ICC là chủ thể ký HĐMB. Thậm chí, sau đó Công ty Tân Hồng Hà đã ký HĐMB, thu tiền của khách hàng mua căn hộ tại Dự án.
Trước những bức xúc của khách hàng, ngày 19/01/2017, Công ty Tân Hồng Hà cung cấp cho Công ty Linh Anh và nhóm khách hàng văn bản số 01/2017/DD về việc cam kết cho vay và bảo lãnh cho người mua nhà tại Dự án của NCB với tổng số tiền bảo lãnh lên đến 364 tỷ đồng.
Tưởng chừng vướng mắc được giải quyết, thế nhưng khi khách hàng muốn vay tiền mua căn hộ, thì chỉ nhận được cái lắc đầu từ phía NCB và cũng không giải chấp căn hộ để khách hàng vay ngân hàng khác.
Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho rằng, việc dự án được NCB nhận thế chấp và cấp bảo lãnh nhưng khách mua nhà lại đóng tiền vào Ngân hàng MB là sai phạm của dự án và sai phạm đó có khởi nguồn từ vi phạm của Công ty ICC - chủ đầu tư và Công ty Tân Hồng Hà - tổng thầu thi công.
Công ty ICC là chủ thể ký hợp đồng thế chấp dự án để vay vốn với NCB. Trên cơ sở đó, NCB ký hợp đồng cấp bảo lãnh cho dự án chung cư của Công ty ICC làm chủ đầu tư. Như vậy, NCB chỉ giao dịch trực tiếp với Công ty ICC. Việc mua bán căn hộ trong dự án đã được thế chấp tại NCB bắt buộc phải thông qua NCB.
“Việc Công ty ICC tự ý chuyển giao cho Tân Hồng Hà quyền ký HĐMB căn hộ với khách hàng mà không thông báo cho NCB là vi phạm các HĐTC, HĐBL mà Công ty ICC ký với NCB”, luật sư Thảo cho biết.
Như vậy, rõ ràng là đã có rất nhiều khuất tất trong việc xác định đâu là chủ thể ký HĐMB và các hoạt động cho vay vốn của NCB tại Dự án. Lúc này, người chịu thiệt không ai khác chính là đối tác đầu tư vốn vào Dự án và khách hàng mua căn hộ.
Dấu hiệu vi phạm trong nhận bảo lãnh, giải ngân?
Trước hoàng loạt ý kiến phản ánh của khách hàng, đến ngày 10/5/2017, Ngân hàng NCB đã gửi văn bản số 10517/TB-TTDNĐĐ, mời Công ty ICC, Công ty Tân Hồng Hà và Công ty Linh Anh họp 4 bên cùng NCB, để tiến hành giải quyết vấn đề vướng mắc trên. Tuy nhiên, do thiếu vắng những người liên quan nên buổi làm việc không thành công.
Trước đó, tại buổi làm việc với NCB, Công ty Linh Anh và phía ngân hàng cũng có đưa ra giải pháp là Công ty Tân Hồng Hà và Công ty ICC mở đồng tài khoản tại NCB để cho khách hàng đã đặt mua căn hộ tại Dự án, do Công ty Linh Anh phân phối sẽ ký HĐMB và nộp tiền vào tài khoản chung.
Thế nhưng, Công ty Tân Hồng Hà và Công ty ICC có những bất đồng sâu sắc trong việc hợp tác nên không xử lý được. Chính điều này đã gây khó khăn trong hoạt động mua bán căn hộ giữa đối tác của Công ty Tân Hồng Hà là Công ty Linh Anh và khách hàng mua căn hộ.
Cũng liên quan đến hoạt động nhận bảo lãnh và giải ngân tại Dự án, Luật sư Thảo cho rằng, tại thời điểm NCB nhận bảo lãnh, căn cứ theo Khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2015/TT-NHNN thì việc giải ngân cho Công ty ICC khi dự án chưa có giấy phép xây dựng là vi phạm pháp luật.
Theo đó, vào ngày 15/3/2015, UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-UBND, về việc đình chỉ thi công Dự án vì không có giấy phép xây dựng. Đến ngày 18/10/2016, Bộ Xây dựng mới có văn bản số 73/BXD-HĐXD công nhận công trình thuộc đối tượng không yêu cầu cấp giấy phép xây dựng và được tiếp tục thi công xây dựng. Tuy nhiên theo phản ánh trước đó vào tháng 8/2016, Dự án này đã được NCB giải ngân.
Về vấn đề này, đại diện phía NCB cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc thanh tra, làm rõ những căn cứ pháp lý để NCB nhận bảo lãnh, giải ngân tại Dự án 317 Trường Chinh.
Có thể nói, việc nhập nhằng chủ đầu tư dự án và chủ thể ký HĐMB căn hộ cũng như dấu hiệu vi phạm trong hoạt động tín dụng tại Dự án, đã khiến cho nhà đầu tư – trực tiếp là Công ty Linh Anh và khách hàng mua căn hộ rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười", đối mặt với nhiều rủi ro. Thiết nghĩ, những vấn đề trên cần sớm được giải quyết dứt điểm, để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.
Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/ngan-hang-ncb-ngoi-tren-gioi-giai-ngan-khien-nha-dau-tu-khoc-rong-20190814013452645.html
20:53, 13/08/2019
18:00, 28/07/2019
06:00, 27/06/2019