23/11/2024 | 02:09 GMT+7, Hà Nội

Ngăn chặn đầu cơ, “thổi” giá dịp cuối năm

Cập nhật lúc: 31/12/2019, 13:10

Nhờ kinh tế tăng trưởng tốt, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng cao do năng lực sản xuất ngày càng cao, đặc biệt là việc ký kết các hiệp định thương mại của Chính phủ, do đó người dân có cơ hội...

Nhờ kinh tế tăng trưởng tốt, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng cao do năng lực sản xuất ngày càng cao, đặc biệt là việc ký kết các hiệp định thương mại của Chính phủ, do đó người dân có cơ hội mua các sản phẩm với giá rẻ hơn.

Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ nay đến cuối năm, nhiều mặt hàng sẽ chịu áp lực tăng giá. Các mặt hàng thiết yếu có xu hướng cầu cao hơn cung, tập trung vào thực phẩm, tiêu dùng, dệt may, giày dép… Đặc biệt với mặt hàng thịt lợn, bởi năm nay mặt hàng này có xu hướng tăng do dịch tả lợn châu Phi.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương, có sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn nên giá cả có xu hướng tăng cao, đặc biệt là theo truyền thống của người Việt, Tết phải gói bánh chưng, làm giò chả… nên nhu cầu càng cao. Cũng theo Cục Quản lý giá, năm nay giá thịt lợn có nhiều thay đổi, song biến động lớn bắt đầu từ tháng 9.

Cụ thể, nếu như từ tháng 3, giá thịt lợn hơi tại thị trường miền Bắc vào khoảng 37.000-44.000/kg, thì đến tháng 9 đã lên mức từ 47.000-50.000 đồng/kg. Sang tháng 11, mức giá thịt lợn hơi là 60.000-78.000 đồng/kg. Sang tháng 12, đặc biệt là từ giữa tháng tới nay, giá thịt lợn mỗi ngày một thay đổi theo chiều hướng tăng mạnh, có địa phương giá thịt lợn hơi đã lên đến 92.000-95.000 đồng/kg.

Ảnh tư liệu

Cùng với giá thịt lợn, một số mặt hàng khác cũng đối mặt với áp lực tăng giá. Có thể kể tới giá xăng dầu, tiếp đến là nhóm hàng thực phẩm, may mặc, hàng tiêu dùng, dịch vụ ăn uống… tăng theo quy luật. Được biết, hiện nay các Bộ, ngành đang theo dõi sát sao, tích cực về giá cả để điều tiết. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế tốt, đặc biệt là việc ký kết các hiệp định thương mại của Chính phủ đã giúp cho người dân có cơ hội mua các sản phẩm giá rẻ hơn.

Đối với Bộ Tài chính, nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vừa có Chỉ thị số 03 yêu cầu Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết để tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.

Riêng với thịt lợn, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá và có những kiến nghị gửi các ngành như nông nghiệp, công thương để có đánh giá lượng cung về dài hạn, ngắn hạn. Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng có số liệu tính toán cụ thể để cân đối lượng thịt lợn nhập về đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bộ Tài chính và các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tình trạng đầu cơ khan hàng, lợi dụng khan hiếm để tăng giá, đẩy giá.

Ngày 29-12 vừa qua, giá lợn hơi có xu hướng giảm nhẹ tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, xuống 94.000 đồng/kg; Hà Nam xuống 92.000-93.000 đồng/kg; tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La, giá phổ biến 93.000 đồng/kg. Một số chợ dân sinh tại Hà Nội, giá thịt lợn ba chỉ ở mức 170.000-180.000 đồng/kg; sườn thăn 170.000-180.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung, giá lợn hơi quanh mức 90.000 đồng/kg, còn khu vực miền Nam với mức 95.000-97.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, tại một số vùng miền Tây, lợn hơi lại quay đầu giảm giá như Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Long An cùng giảm nhẹ từ 1.000-2.000 đồng/kg, xuống mức giá trung bình 88.000 đồng/kg. Trà Vinh vẫn đang là địa phương giữ giá lợn cao nhất miền, 97.000 đồng/kg và chưa ghi nhận tình trạng giảm giá.