19/01/2025 | 11:59 GMT+7, Hà Nội

Nâng gấp đôi mức ký quỹ của công ty đa cấp lên 10 tỷ đồng

Cập nhật lúc: 11/06/2018, 06:15

Chính phủ yêu cầu các công ty hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) phải nâng mức ký quỹ lên gấp đôi, tối thiểu là 10 tỷ đồng thay vì 5 tỷ đồng như quy định trước đây.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 42/2014/NĐ-CP trước đó về quản lý hoạt động kinh doanh theo hình thức đa cấp.

Nghị định 40 gồm 8 Chương, 61 Điều đưa ra nhiều điều kiện hơn để sàng lọc những doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) trên thị trường. Từ đó, chỉ những doanh nghiệp lớn mạnh và sẵn sàng tiếp tục đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện khắt khe này, giúp ngành hàng này phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam.

 

Cụ thể, Nghị định mới có các điều khoản siết chặt hơn về điều kiện kinh doanh, hoạt động và chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp đa cấp như sau:

Thứ nhất, Nghị định mới cấm sử dụng hình thức kinh doanh đa cấp để huy động tài chính trái phép, hướng đa cấp đi đúng bản chất là hình thức phân phối hàng hóa, không bị lợi dụng cho những hình thức trái phép khác.

Thứ hai, về điều kiện đăng ký hoạt động BHĐC, doanh nghiệp phải ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng tối thiểu 10 tỷ đồng trở lên thay vì 5 tỷ đồng như nghị định cũ. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ ba, chương trình đào tạo cơ bản dành cho người tham gia BHĐC phải đảm bảo thời lượng đào tạo tối thiểu 8 tiếng. Công tác đào tạo cơ bản này phải được thực hiện trước khi người tham gia BHĐC được cấp Thẻ thành viên và phải được giảng dạy bởi Đào tạo viên đã được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận.

Thứ tư, doanh nghiệp BHĐC có trách nhiệm thông báo tới Sở Công Thương tối thiểu 15 ngày làm việc trước khi thực hiện các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia BHĐC trở lên.

Thứ năm, doanh nghiệp BHĐC phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia BHĐC, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động BHĐC của doanh nghiệp. Hệ thống công nghệ thông tin này phải được vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam.

Thứ sáu, số lượng hành vi bị cấm của doanh nghiệp BHĐC cũng rút gọn và tập trung vào các hành vi tiêu biểu (giảm từ 18 xuống còn 13). Trong đó, đáng chú ý nhất là quy định về thực hiện khuyến mại. Theo đó, Doanh nghiệp bị cấm thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác.

Thứ bảy, người tham gia BHĐC còn có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. 

Nghị định 40/2018/NĐ-CP do chính phủ ký ban hành có hiệu lực từ ngày 2/5/2018. 

 

Nghị định được ban hành sau một loạt vụ lừa đảo liên quan đến hình thức bán hàng đa cấp được phanh phui như mua tiền kỹ thuật số với tổng giá trị mà các nạn nhân đã mất lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng hay công ty đa cấp Vinaca lừa hàng nghìn người mua thuốc ung thư giả làm từ bột than tre chưa qua xử lý.