19/01/2025 | 02:29 GMT+7, Hà Nội

Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai từ cấp cơ sở

Cập nhật lúc: 15/05/2020, 14:27

Tiếp nối kết quả của năm 2019, Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm nay (từ ngày 15 đến 22-5) có chủ đề “Phòng, chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở”.

Tiếp nối kết quả của năm 2019, Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm nay (từ ngày 15 đến 22-5) có chủ đề “Phòng, chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở”.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện năm 2019 và triển khai Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2020.

Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai huyện Thạch Thất tham gia công tác hộ đê sông Tích. Ảnh: Kim văn

- Ông có thể cho biết, Hà Nội đã triển khai thực hiện Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2019 như thế nào?

- Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2019 có chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”. Ngay sau lễ phát động của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trịnh Đình Dũng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới người dân.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố còn tổ chức 50 hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới các xã, thị trấn trên địa bàn thành phố với sự tham gia của hàng nghìn người.

Đặc biệt, trong năm 2019, 30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã thành lập các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, với sự tham gia của 64.948 người, bao gồm: Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, đoàn viên thanh niên... Đội xung kích phòng, chống thiên tai có nhiệm vụ hỗ trợ các cấp chính quyền sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai, giúp người dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống... Ngoài ra, trong năm 2019, 20/26 quận, huyện, thị xã có đê đã thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân với tổng số 157 người…

Từ việc thực hiện hiệu quả Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2019, nhiều người dân Thủ đô ý thức được sự nguy hiểm của thiên tai nên đã ủng hộ chính quyền cơ sở và tự nguyện tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai bằng những việc làm cụ thể, như: Tự giác chằng chống, gia cố nhà cửa, giúp đỡ các thành viên trong cộng đồng sơ tán người và tài sản khi có lệnh báo động lũ trên các sông... Chính vì vậy, năm 2019, thành phố Hà Nội đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng...

- Có ý kiến cho rằng, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã hiện nay tuy đông nhưng chưa mạnh. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

- Tôi cho rằng, đây là ý kiến đúng. Bởi thực tế, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã hiện nay phần lớn đều trong độ tuổi lao động, thường đi làm ăn ở xa địa phương... Vì vậy, khi xảy ra tình huống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã sẽ gặp khó khăn để huy động đủ lực lượng. Bên cạnh đó, lực lượng này cũng chưa được trang bị phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn... Thực tế đó đã phần nào làm giảm năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã...

- Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2020, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội sẽ tham mưu UBND thành phố và triển khai nhiệm vụ gì, thưa ông?

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, rút kinh nghiệm để củng cố, kiện toàn bảo đảm về số lượng, chất lượng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã... Các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng, bảo đảm tốt nhất khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngay tại cơ sở...

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã xây dựng kế hoạch, triển khai đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2020 gắn với thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức phòng, chống thiên tai cho người dân thành phố; diễn tập phòng, chống thiên tai tại các địa phương có vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu và thường xuyên bị ngập lụt...

- Sự tiếp nối chủ đề Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2019 và 2020 có ý nghĩa như thế nào trong công tác phòng, chống thiên tai, thưa ông?

- Sự tiếp nối này là cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước: Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của hệ thống chính trị và của nhân dân. Thực hiện hiệu quả chủ đề của Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2019 và 2020 cũng là giải pháp nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai ngay từ cấp cơ sở, tiến tới xây dựng thôn, xã an toàn trước thiên tai...

- Trân trọng cảm ơn ông!