19/01/2025 | 11:52 GMT+7, Hà Nội

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế

Cập nhật lúc: 13/11/2020, 16:10

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 217/CTr về triển khai thực hiện Kế hoạch số 210-KH/TU ngày 8-10-2020 của Thành ủy, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12/3/2020 của Chính phủ.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 217/CTr về triển khai thực hiện Kế hoạch số 210-KH/TU ngày 8-10-2020 của Thành ủy, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12-3-2020 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15-1-2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Theo kế hoạch, thành phố đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, đối với nguồn nhân lực đến năm 2025: Tỷ lệ lao động làm việc đã qua đào tạo đạt 75-80%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 12%; khắc phục cơ bản tình trạng mất cân đối cung - cầu nhân lực trong nền kinh tế; thiết lập hệ thống sắp xếp công việc dựa trên vị trí việc làm, củng cố hệ thống chức nghiệp thực tài.

Đến năm 2035: Tỷ lệ lao động làm việc đã qua đào tạo đạt 80-85%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 10%. Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, có đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ, chuyên gia đầu ngành tương đương trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực.

Đến năm 2045: Tỷ lệ lao động làm việc đã qua đào tạo đạt 85-90%; duy trì tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 7%; năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nhân lực Thủ đô đạt mức trung bình trở lên so với các nước ASEAN-4.

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế

Đối với nguồn vật lực đến năm 2025: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, công cụ thúc đẩy quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phù hợp với thực tế quy mô và hiệu quả đầu tư. Xây dựng mới và duy trì vận hành mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường hiện có. Xây dựng thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị được cải tạo và xây dựng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các quận, huyện, thị xã và kết cấu hạ tầng đô thị.

Đến năm 2035: Phát triển các công cụ điều tiết thị trường quyền sử dụng đất, bảo đảm khoảng 99% diện tích đất tự nhiên được đưa vào khai thác, sử dụng. Kiểm soát tình hình ô nhiễm nguồn nước; phục hồi 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái. Hoàn thiện hệ thống mạng quan trắc tài nguyên, môi trường theo hướng tự động hoá. Hoàn thành việc xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên, môi trường và hệ thống thông tin giám sát tài nguyên. Bảo đảm hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận tiện, nhanh chóng giữa các quận, huyện, thị xã và đến các tỉnh lân cận.

Đến năm 2045: Chủ động ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Hoàn thiện cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thông suốt, ngang bằng với các nước phát triển.

Liên quan đến nguồn tài lực, đến năm 2025: Tập trung đẩy mạnh quản lý, nuôi dưỡng và khai thác các nguồn thu trên địa bàn (đặc biệt các nguồn thu mang tính chất ổn định, bền vững như từ thuế, phí...), tăng dần tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó tỷ trọng thu nội địa chiếm trên 90% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn).

Về chi ngân sách địa phương, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu duy trì tỷ trọng chi thường xuyên ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách địa phương; tập trung nguồn lực, bố trí chi đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương ở mức hợp lý, nâng cao vai trò định hướng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức đầu tư ngoài ngân sách địa phương để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội; kết hợp với nâng cao chất lượng quản lý đầu tư để tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách.

Trong nợ công, thành phố sẽ bảo đảm mức dư nợ vay của ngân sách thành phố trong giới hạn an toàn theo quy định để dành cho đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn; bảo đảm cân đối nguồn lực để chi trả nợ đầy đủ các khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác liên quan đến khoản vay khi đến hạn. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50%; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 40%; Quyết liệt giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp xuống dưới mức bình quân cả nước.

Đến năm 2035: Đảm bảo duy trì tỷ trọng thu nội địa chiếm trên 90% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 70%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 50%; Tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn mức bình quân cả nước.

Đến năm 2045: Đảm bảo duy trì tỷ trọng thu nội địa chiếm trên 90% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 80%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 60%; tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn mức bình quân cả nước.