Nâng cao chất lượng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Cập nhật lúc: 02/12/2020, 17:15
Cập nhật lúc: 02/12/2020, 17:15
Chương IV Luật Bảo vệ môi trưởng 2014 đã có quy định về việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một số nội dung đang chồng lấn với các điều khoản trong các chương khác của Luật, chưa cụ thể hóa nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu. Do vậy, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này xuất phát từ đỏi hỏi của cuộc sống.
Trong đợt mưa, bão và lũ lụt gây ảnh hưởng nặng nề tại miền Trung vừa qua, công tác dự báo khí tượng của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) được đánh giá là một trong những yếu tố then chốt để thích ứng với sự biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, giúp cho việc cảnh báo kịp thời để chính quyền và người dân các khu vực bị ảnh hưởng chủ động các biện pháp ứng phó.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, trong đợt thiên tai vừa qua tại miền Trung nói riêng và trên cả nước nói chung, mang tính khốc liệt hơn năm 1999 với 4 trận bão liên tiếp, trong đó bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm vừa qua. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và do làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân nên thiệt hại chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 1999.
GS.TS Phan Văn Tân (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây có thể được cho là có liên quan đến sự biến đổi của các hệ thống hoàn lưu khí quyển, đại dương quy mô lớn cũng như sự biến đổi trong hoạt động của gió mùa châu Á. Việc kết nối tốt hơn giữa việc quan sát biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể giúp công tác quản lý rủi ro thiên tai đạt hiệu quả cao hơn. Cùng với đó, sự kết hợp giữa các số liệu quan trắc quá khứ cùng mô hình dự báo khí tượng có ý nghĩa quan trọng để đưa ra các dự báo có tính chính xác cao và kịp thời, nhằm hạn chế tối đa rủi ro mà thiên tai có thể gây ra cho con người và thiên nhiên.
TS Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cho rằng trong bối cảnh biến đổi của khí hậu, thời tiết diễn biến rất phức tạp, các hiện tượng thiên tai khó lường, không theo quy luật vốn có từ lâu ở nước ta, như kinh nghiệm từ lâu để lại, các địa phương cần chủ động theo dõi sát diễn biến, linh hoạt ứng phó với các hiện tượng thiên tai xảy ra; cần cố gắng đến mức cao nhất, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo dù điều này đòi hỏi sự đầu tư chất xám, phương tiện và kỹ năng rất lớn. Nhưng khi đã có dự báo chính xác thì việc đưa thông tin đến người dân, các cơ quan chức năng kịp thời, có sức thuyết phục cũng rất quan trọng.
Điều đáng quan tâm là các vụ sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người, phức tạp và không theo quy luật. Vừa qua, nhiều vụ sạt lở đất xảy ra tại những nơi ổn định về địa chất, không có trong bản đồ cảnh báo, nên cần ứng dụng khoa học - công nghệ tốt và nhanh hơn.
GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thúc đẩy các nghiên cứu, điều tra về hiện tượng trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng ở tỉ lệ lớn và đi cùng với phân vùng cảnh báo nguy cơ để giúp Chính phủ cũng như các địa phương có thể nằm bắt, hiểu biết về hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Để đạt được hiệu quả đó, từ nhiều năm qua, ngành khí tượng thuỷ văn đã đầu tư mạnh mẽ cả về con người và phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm đạt được những kết quả chính xác nhất trong công tác quan trắc, cảnh báo; ứng dụng các giải pháp công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất…
Những giải pháp, công nghệ cảnh báo sớm
Mới đây, tại Hội thảo “Giải pháp, công nghệ cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ bùn đá vùng núi Việt Nam” diễn ra ngày 26/11, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những giải pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất tại Việt Nam. Trong đó, nhiều ý kiến của các đại biểu đều thống nhất cần tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong công tác quan trắc, cảnh báo; ứng dụng các giải pháp công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nhằm kiến tạo một xã hội an toàn trước thiên tai và phát triển bền vững.
Hiện nay, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã xây dựng 2 bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét gồm: bản đồ nguy cơ lũ quét tại 14 tỉnh miền núi phía Bắc, bản đồ nguy cơ lũ quét tại 19 tỉnh Trung Bộ và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Theo đó, hệ thống cảnh báo lũ quét với các tiểu lưu vực được phân chia có diện tích trung bình từ 20 đến 30 km2 ở vùng miền núi phía Bắc và khoảng 10-20 km2 đối với Trung Bộ – Tây Nguyên; vì thế có thể cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét đối với từng xã có diện tích lưu vực nhỏ hơn 30 km2. Theo số liệu thống kê, có khoảng 5.993 xã có diện tích nhỏ hơn 30km2 (gồm 3.804 xã nhỏ hơn 10 km2 và 2.189 xã có diện tích từ 10-30 km2) trên tổng số hơn 8.643 xã của các khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên (tức có 2.650 xã có diện tích lớn hơn 30 km2).
Hiện nay nước ta có thể cảnh báo nguy cơ lũ quét đến cấp độ xã và sẽ có những khó khăn chính sau: sự không đồng nhất giữa tiểu lưu vực thuỷ văn và ranh giới xã; mạng lưới trạm đo mưa hiện nay còn khá thưa, nhất là vùng miền núi. Ngoài ra, kết quả mưa dự báo hiện nay có độ phân giải 9x9 km, sẽ tương đương với 3-8 tiểu lưu vực/xã có 1 giá trị mưa dự báo đặc trưng, trong khi kết quả dự báo mưa số trị hiện nay còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, độ ẩm của đất là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá nguy cơ lũ quét nhưng chưa quan trắc thường xuyên được yếu tố này, đây chính là khó khăn đối với công tác cảnh báo lũ quét.
Theo đánh giá của Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét thực chất là đưa ra bản đồ phân cấp tiềm năng hình thành lũ quét trên bề mặt lưu vực dưới sự tổ hợp của các yếu tố bất lợi tham gia trong quá trình hình thành lũ quét như: độ dốc bề mặt đất, sử dụng đất, loại đất và lớp phủ thực vật. Bản đồ không xét đến diễn biến độ ẩm đất trong thời gian thực. Như vậy, sản phẩm bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét là đưa ra tiềm năng hình thành lũ quét trên các vùng thuộc các tiểu lưu vực/ranh giới xã, huyện, đó chính là “nền” để xác định mối tương quan nguy cơ lũ quét giữa các vùng khi có chồng chập với bản đồ mưa dự báo và bản đồ phân bố dân cư.
Thời gian qua, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Trung tâm Thuỷ văn của Hoa Kỳ xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét cho toàn Việt Nam, vận hành trên máy chủ của Viện, sản phẩm chính là các bản đồ động sinh ra trong quá trình cảnh báo lũ quét.
Hiện nay, công tác cảnh báo lũ quét tại Viện được thực hiện khi có dự báo mưa lớn. Các bản tin cảnh báo nguy cơ lũ quét đến cấp huyện được thực hiện vào 4 mốc giờ mỗi ngày và được đưa trên trang web của Viện cũng như gửi cho Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.
Bàn về các giải pháp tăng cường dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trịnh Xuân Hòa cho biết, từ năm 2012 – 2018, Viện đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”.
Đề án đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra trượt lở đất đá, các khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững. Các cơ sở dữ liệu, bản đồ này góp phần nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Nêu kinh nghiệm quan trắc các khối trượt lở ở Việt Nam và ứng dụng học máy trong nghiên cứu trượt lở, GS Đỗ Minh Đức, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, việc lựa chọn vị trí lắp đặt hệ thống quan trắc và thiết kế cấu hình hệ thống quan trắc của các khối trượt là căn cứ quan trọng để đề xuất sử dụng chủng loại cảm biến phù hợp với yếu tố động cần quan trắc của khối trượt lớn. Để hệ thống quan trắc hoạt động lâu dài phục vụ cảnh báo sớm hiệu quả, cần có sự phối hợp tạo điều kiện và tham gia của chính quyền địa phương các cấp, kết hợp có hiệu quả các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở trong nước và quốc tế.
Đối với các giải pháp cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trong công tác khí tượng thủy văn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Vũ Đức Long đề xuất, thời gian tới, ngành cần tăng cường phát triển hệ thống quan trắc mưa lưu lượng tự động, đẩy mạnh công nghệ cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo, cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi; xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét; cùng với đó là nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất…
17:20, 30/11/2020
10:35, 24/11/2020
15:10, 18/11/2020