19/01/2025 | 10:19 GMT+7, Hà Nội

Năm Dậu có được phép cúng thịt gà không?

Cập nhật lúc: 12/01/2017, 21:07

Năm Dậu cúng gà có được không là băn khoăn của nhiều gia đình khi chuẩn bị bước sang năm mới. Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ điều đó.

1. Ý nghĩa của việc cúng gà trong ngày tết

Việc chọn gà cúng có liên quan tới truyền thuyết từ xa xưa. Khi mặt đất còn tối tăm lạnh lẽ do mới được Ngọc Hoàng sáng tạo ra, 10 mặt trời được lệnh chiếu sáng ngày đêm để sấy khô mặt đất. Tuy nhiên sau đó vì Ngọc Hoàng quên thu các mặt trời lại khiến cho mặt đất và con người trở nên khốn đốn vì nắng hạn.

Có một dũng sĩ đã dùng cung tên bắt rụng 9 mặt trời, và 1 mặt trời còn lại sợ quá nên trốn biệt đi rất cao và xa, không chiếu sáng nữa. Con người và loài vật trên mặt đất tối tăm bèn rủ nhau đi gọi mặt trời nhưng cuối cùng chỉ mỗi con gà trống gáy vang khiến mặt trời tò mò hạ xuống, quên đi sợ hãi và chiếu sáng trở lại.

Đêm Giao thừa được coi là đêm tối nhất bởi đó là lúc mặt trời ẩn nấp sâu nhất. Do đó dân gian bảo nhau cúng gà trống với mục đích gà sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng trở lại cho thế gian, đem lại mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ cho mọi nhà.

Đó chính là câu chuyện mang ý nghĩa văn hóa lâu đời về việc lựa chọn con gà làm đồ lễ cúng. Có thể nói con gà là biểu tượng của nền văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nền nông nghiệp lúa nước.

Xem thêm: Vì sao phải coi trọng việc xông đất đầu năm? Chọn người xông đất như nào để cả năm may mắn?

2. Năm Dậu có được phép cúng thịt gà không?

Ngày nay, nền kinh tế đã thay đổi, nhiều tư duy quan niệm về văn hóa lối sống cũng có nhiều khác biệt so với xưa. Và mặc dù nhiều nơi có thể đã thay gà bằng chân giò hay khổ thịt lợn vuông vức hay những đồ lễ khác nhưng thói quen chọn gà làm đồ lễ cúng vẫn rất phổ biến trong dân gian. Tuy nhiên không nhiều người hiểu rõ về ý nghĩa văn hóa của việc chọn gà làm đồ cúng, nhất là đêm Giao thừa. Chính vì thế mới nảy sinh câu hỏi rằng năm Dậu cúng gà có được không. Suy diễn hơn, có người còn cho rằng năm Tỵ, năm con rắn thì không cúng gà vì rắn vồ gà…

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì đó là những suy diễn tư biện so với nghi lễ xưa. Cúng gà là một nét đẹp văn hóa và không có chuyện kiêng năm gà thì không cúng gà. Ngoài ra những thứ cúng thay thế gà như thịt lợn, chân giò thì chỉ đơn thuần là đồ lễ cúng chứ không mang ý nghĩa văn hóa. Do đó bạn hoàn toàn có thể yên tâm năm Dậu cúng gà mà không phải “kiêng kỵ” điều gì.

3. Tiêu chuẩn chọn gà cúng Giao thừa để mang lại nhiều tài lộc

Sở dĩ chọn gà trống chứ không phải gà mái để làm đồ lễ cúng vì gà trống được xem là hội tụ đủ 5 đức tính mà một người đàn ông cần có. Đó là văn, võ, dũng, nhân, tín. Việc cúng gà trống cũng là cầu mong con cháu được hưởng những đức tính ấy.

- Văn ở đây hiểu là: gà trống có mào trên đỉnh đầu cùng hai cái mào ở dưới, giống như chiếc mũ cánh chuồn của ngài tiến sĩ xưa, biểu tượng cho văn.

- Võ: gà có cựa như thứ vũ khí, biểu tượng cho võ.

- Dũng: gà trống luôn sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ đàn của mình, biểu tượng cho dũng.

- Nhân: gà trống đầu đàn khi được cho ăn thì luôn gọi cả đàn đến chứ không ăn một mình, biểu tượng cho nhân.

- Tín: gà trống luôn cất tiếng gáy đúng canh giờ, biểu tượng cho tín.

Với mong ước về sự may mắn, an lành, tốt đẹp, việc chọn gà cúng đêm Giao thừa phải là gà trống hoa, gà chưa đạp mái và mới le te gáy. Điều này hàm ý về lễ vật tinh khiết để lời thỉnh cầu được linh nghiệm.

Với những điều trình bày ở trên, năm Dậu cúng gà hoàn toàn là điều nên làm, vừa hợp với truyền thống văn hóa phong tục lâu đời của cha ông vừa thể hiện tấm lòng thành và mong ước tốt đẹp của gia đình bạn trong năm mới.

Xem Tử vi 12 con giáp năm Đinh Dậu 2017

4. Cách luộc gà ngon

Cho gà vào nồi ngay khi nước còn lạnh, như vậy thịt sẽ chín dần từ ngoài vào trong. Nếu để nước sôi mới cho vào, gà khó chín đều, da sẽ nứt.

Nếu là gà đông lạnh, cần để rã đông hoàn toàn rồi mới luộc. Còn không, chẳng những bạn phải luộc rất lâu và không biết khi nào thịt mới chín hẳn.

Luộc một con gà nhanh nhất khoảng 20 phút (trung bình là 30 phút), nhưng để gà chín đều, da vàng óng phải mất khoảng 45-60 phút (để lửa nhỏ).

Khi nước đã sôi, nên vặn nhỏ lửa, vì nếu để sôi sùng sục, phần thịt ở đùi sẽ co tụt lên, rất xấu. Sau khi nước sôi khoảng 5 phút, bạn vặn nhỏ gas hết cỡ, để trong 5 phút nữa rồi tắt và đậy vung kín chừng 20 phút. Bạn có thể dùng đũa chọc vào gà, nếu đũa đâm xuyên dễ dàng, nước ứa ra không có màu đỏ là đã chín.

Để gà luộc trông mọng, màu da tươi tắn, sau khi vớt ra, nên nhúng ngay vào nồi nước sôi để nguội, nước lạnh càng tốt. Đến lúc gà nguội hẳn mới lấy ra đĩa. Nếu không, da gà sẽ bị khô và xỉn màu. Sau đó, để thịt ráo nước một chút, dùng dùng củ nghệ, giã nhỏ vắt lấy nước trộn với mỡ gà đã thắng quét một lớp lên da, da gà sẽ có màu vàng bóng và căng mượt, trông rất hấp dẫn.