19/01/2025 | 10:20 GMT+7, Hà Nội

Nam Đà Nẵng: “Vùng trũng” hút vốn đầu tư

Cập nhật lúc: 26/06/2020, 14:00

Quý 2 dần khép lại, thị trường BĐS Đà Nẵng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ chủ trương đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế vào các khu và cụm công nghiệp...

Quý 2 dần khép lại, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ chủ trương đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế vào các khu và cụm công nghiệp, góp phần tạo nguồn cầu mới cho BĐS từ lực lượng lao động, chuyên gia cao cấp.

“Rốn đầu tư” mới của thế giới

Tác động của đại dịch Covid-19 làm “đứt gãy” chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc từ công xưởng của thế giới đã chứng kiến sự “ra đi” của nhiều tập đoàn lớn. Các quốc gia lân cận như Việt Nam với môi trường đầu tư an toàn đang có nhiều cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư này.

Đà Nẵng vẫn là điểm sáng thu hút vốn FDI của cả nước

Sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế như dân số tăng nhanh, đầu mối giao thông của khu vực, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, môi trường sống hấp dẫn…, Đà Nẵng nổi bật lên trong dòng chảy hút vốn đầu tư FDI sau đại dịch.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, trong 5 tháng đầu năm 2020, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 50 dự án FDI với tổng vốn cấp mới 77,546 triệu USD và 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 10.815 tỷ đồng.

Một số dự án lớn đã đi vào hoạt động như: Dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Hoa Kỳ), Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina của Công ty TNHH ICT Vina Dentium Đà Nẵng (Hàn Quốc)… Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng đang tích cực đổi mới phương thức tiếp cận nhà đầu tư chiến lược tại các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Châu Âu; đồng thời tạo mối quan hệ với nhiều địa phương của Nhật Bản và một số tổ chức quốc tế như: WB, ADB, JICA, GIZ, KOTRA,… để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ.

Bên cạnh khu Liên Chiểu ở phía Bắc đã phát triển công nghiệp từ lâu, mấy năm gần đây, khu Nam thành phố trở thành địa điểm mới đầy tiềm năng để hình thành các khu công nghiệp tầm cỡ, đón đầu sóng đầu tư FDI vào Đà Nẵng. Cùng với đó, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, trước mắt là cụm công nghiệp Cẩm Lệ, dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào tháng 9/2020.

Sự xuất hiện của các tập đoàn quốc tế lớn cũng như những khu công nghiệp mới mở tại Đà Nẵng không chỉ mang tới nguồn vốn đầu tư “khủng” cho thành phố, tạo động lực phát triển kinh tế mà còn là tiền đề thu hút thêm các dự án phụ trợ đi kèm cho khu công nghiệp.

Khu Nam thành phố Đà Nẵng đang trở thành địa điểm mới đầy tiềm năng để hình thành các khu công nghiệp tầm cỡ

Trên thực tế, BĐS công nghiệp phát triển sẽ đem lại tác động tích cực và trực tiếp đến các phân khúc BĐS khác như đất nền, nhà ở, văn phòng cho thuê… Bởi xung quanh các khu công nghiệp sẽ hình thành một hệ sinh thái đầy đủ đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, giải trí của đội ngũ chuyên gia và các thành phần lao động. Chính vì vậy, cơ hội cho BĐS công nghiệp Đà Nẵng tăng tốc cũng chính là cơ hội cho các loại hình BĐS khác phát triển mạnh, đặc biệt là tại khu vực Nam thành phố, nơi có sự kết nối thuận tiện với địa bàn Quảng Nam và hạ tầng đang không ngừng hoàn thiện để trở thành trung tâm mới của Đà Nẵng.

Điểm sáng của thị trường bất động sản

Theo báo cáo thị trường tháng 4/2020 của chuyên trang Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm BĐS Đà Nẵng trong tháng 4/2020 tăng 12,3% so với tháng 3. Lượng tin đăng rao bán dù giảm so với các tháng trước dịch, nhưng đã tăng mạnh trở lại từ sau thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội.

Đáng chú ý, từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách đến khi nới lỏng giãn cách, lượng tin đăng tăng đến 177%. Giá rao bán BĐS Đà Nẵng đã nhích lên khoảng trên dưới 5% so với đầu tháng 4, nhiều lô đất có giá tăng từ 100-200 triệu đồng/lô. Một số dự án tại khu Nam Hòa Xuân đã thoát khỏi tình trạng đóng băng suốt nhiều tháng, giá bắt đầu nhích lên. Điều này chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư với thị trường BĐS đã bắt đầu trở lại.

Đất nền Nam Hòa Xuân hưởng lợi nhờ làn sóng đầu tư các khu công nghiệp Nam Đà Nẵng.

Anh Hoàng Minh, một nhà đầu tư BĐS đến từ Hà Nội vừa quyết định “xuống tiền” cho một lô đất hơn 100m2 tại Nam Hòa Xuân. “Khi lựa chọn một sản phẩm BĐS, vị trí là yếu tố quan trọng nhất tác động tới quyết định của mình. Khu vực Nam thành phố nằm ngay bên sông Cổ Cò, gần biển, đồng thời nằm trên tuyến giao thông huyết mạch kết nối Đà Nẵng và phố cổ Hội An. Bên cạnh đó, Nam Hòa Xuân vẫn nằm trong bán kính không quá xa các khu công nghiệp công nghệ cao của thành phố, thuận tiện để đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng và cả các loại hình nhà ở phục vụ chuyên gia nước ngoài, nhân sự cao cấp. Từ đây, các nhà đầu tư còn có thể mở rộng sang các hình thức như sang nhượng, kinh doanh để tăng thêm lợi nhuận”.

Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính từng nhận định, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt nên thị trường BĐS Đà Nẵng đã dần hồi phục trở lại ở một số phân khúc, trong đó, đất nền và căn hộ bình dân đang là điểm sáng. “Đất nền vốn dĩ là sản phẩm được quan tâm nhất của giới đầu tư do giá trị thấp hơn nhà phố”, ông Đính đánh giá.

Nhận định đó là hoàn toàn có cơ sở, xét trong bối cảnh hậu dịch Covid-19, các nhà đầu tư còn e dè và rất thận trọng trong mỗi quyết định đầu tư. Do đó, những phân khúc nhà ở cao cấp, biệt thự có giá trị cao sẽ thanh khoản kém hơn so với phân khúc đất nền có giá thành hợp lý, dễ mua đi bán lại – kênh trú ẩn an toàn ở thời điểm này.

Tuy nhiên, đất nền chỉ thật sự có giá trị và trở thành kênh đầu tư vững chắc khi hội tụ được các tiêu chí như: nằm trong khu vực phát triển đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, kinh tế phát triển, quy hoạch bài bản, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt… Những khu vực “vàng” như Nam Hòa Xuân, Hòa Quý… ở phía Nam thành phố đang đáp ứng được các tiêu chí này của nhà đầu tư.