18/01/2025 | 20:13 GMT+7, Hà Nội

Năm Canh Tý hướng tới... không nồng độ cồn

Cập nhật lúc: 25/01/2020, 13:29

Tết đến xuân về, cốc bia chén rượu gần như là thứ không thể thiếu đối với người Việt. Song đồ uống này lại mang đến không ít hiểm nguy, đặc biệt là đối với người tham gia giao thông.

Năm mới rượu bia, coi chừng xử phạt

Kể tử ngày 01/01/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 chính thức có hiệu lực, quy định tới 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đáng chú ý là hành vi “Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”.

Điều này đồng nghĩa với việc, mọi hành vi mời mọc, rủ rê, thuyết phục, thách đố nhau... mang tính chất xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc uống rượu, bia trong dịp Tết này đều bị nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP nhằm bổ sung mức xử phạt đối với những hành vi bị nghiêm cấm tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, người có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia có thể bị phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng.

Nghị định 100 khiến nhiều người phải "cảnh giác" với việc sử dụng rượu, bia

Đặc biệt hơn cả, là từ năm 2020, nột hành vi khác bị nghiêm cấm theo Luật này chính là “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Để làm rõ hơn, khoản 1 và khoản 3 Điều 21 quy định: “Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.”

Và như vậy, mọi trường hợp lái xe khi đã uống rượu, bia đều bị cấm hoàn toàn, cho dù uống ít hay uống nhiều, cho dù đi xe đạp, xe máy hay lái ô tô. Với mức xử phạt cao, trong tháng 1 năm 2020 (tính từ 15/12/2019 - 14/1/2020), toàn quốc xảy ra 1.300 vụ TNGT, làm chết 591 người, bị thương 968 người. So với tháng 1 năm 2019, giảm 227 vụ, giảm 138 người chết, giảm 169 người bị thương.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí có một phần nguyên nhân rất lớn nhờ sự ra đời của Luật phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019.

Theo ông Khuất Việt Hùng, việc xử nghiêm vi phạm của lái xe kinh doanh vận tải theo Nghị định 100 đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đã có trường hợp lái xe bị phạt tới 200 triệu đồng, tính răn đe rất cao.

Đẩy mạnh “phòng, chống nồng độ cồn” ngày Tết

Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền Canh Tý 2020 và các ngày lễ hội đầu Xuân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân tuân thủ thực hiện tốt quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu bia.

Người dân nên hạn chế uống rượu bia vì không có ngưỡng an toàn. Nếu uống, không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.

Sau khi uống rượu bia, người dân không nên tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia.

Hạn chế rượu bia, năm mới sum vầy, hạnh phúc muôn nơi

Ngày 23/1 vừa qua, lãnh đạo Cục CSGT yêu cầu các đơn vị ở địa phương huy động tối đa phương tiện, lực lượng phối hợp với cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự... liên tục kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. "Không được để việc này bị chùng xuống và không được bỏ qua vi phạm trong dịp Tết", lãnh đạo Cục CSGT nêu rõ.

Theo số liệu của Cục CSGT, từ ngày 1 đến ngày 20/1, hơn 11.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trên toàn quốc, phạt tiền 40,5 tỷ đồng. Một số địa phương có kết quả xử lý cao như: Tây Ninh 769 trường hợp, TP HCM 583 trường hợp, Thanh Hóa 538.

Rõ ràng, việc từ bỏ hoàn toàn rượu, bia trong ngày Tết của người dân là rất khó. Thế nhưng, với sự ra đời của Nghị định 100, nhiều gia đình có thể có một cái Tết an lành, khi biết rằng người thân của mình có thể an toàn về nhà trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo.