21/11/2024 | 15:42 GMT+7, Hà Nội

Năm 2022, số doanh nghiệp Việt tham gia bán hàng trên Amazon tăng 80% so với cùng kỳ

Cập nhật lúc: 15/06/2023, 18:24

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho hay, năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đạt trên 80,7 nghìn tỷ đồng.

 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Theo dự báo tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 9/6, doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt 296.300 tỷ đồng vào năm 2027, nếu các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng thương mại điện tử.

Sự kiện này do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cùng với Amazon Global Selling (Amazon) phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, nhấn mạnh rằng trong hơn 1 năm gần đây, khó khăn của nền kinh tế thế giới đã gây ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của doanh nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2023, mặc dù cả nước vẫn xuất siêu 6 tỷ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu tổng thể đã giảm khoảng 1,8 % so với cùng kỳ. Những thách thức này đã buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh để duy trì sản xuất, xuất khẩu và tăng khả nă ng cạnh tranh trên thị trường.
Tại Hội nghị, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho hay, năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đạt trên 80,7 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 7 trong số các loại hình xuất khẩu của Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ ứng dụng thương mại điện tử vào xuất khẩu thì xuất khẩu qua thương mại điện tử có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Riêng với Amazon, năm 2022 số doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng tăng 80% so với cùng kỳ, kim ngạch tăng 45%.

Theo lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành một xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ đã vượt qua 20% mỗi năm. Ngành này được đánh giá là có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của chính phủ.

Mặc dù thương mại điện tử xuyên biên giới được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tuy nhiên dù đã có sự tiếp cận với thương mại điện tử xuyên biên giới, nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, vẫn đối mặt với nhiều rào cản.

Rào cản đầu tiên là quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu. Thứ hai, năng lực của nhân lực trong phát triển sản phẩm và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh thị trường toàn cầu. Cùng đó là rào cản về chi phí và rào cản về thông tin.