26/04/2024 | 04:43 GMT+7, Hà Nội

Năm 2022 hoàn thành 361 km đường cao tốc

Cập nhật lúc: 10/06/2022, 09:03

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 1 đang triển khai 10 dự án, trong đó có 4 dự án sẽ hoàn thành trong năm nay.

Hoàn thành tiến độ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong năm 2022

Tranh luận tại hội trường sáng ngay 9/6 về vấn đề liên quan đến giải pháp để hoàn thành tiến độ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Xuân Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong 360 km đường cao tốc Bắc - Nam hoàn thành trong năm 2022 và phải trước tiến độ là 3 tháng. Với trách nhiệm của Bộ trưởng, Tư lệnh ngành chỉ đạo mục tiêu hoàn thành cao tốc Bắc - Nam trong năm 2022?

Đại biểu Vũ Xuân Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: quochoi.vn)
Đại biểu Vũ Xuân Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: quochoi.vn)

Trả lời đại biểu Vũ Xuân Hùng về những khó khăn khi triển khai cao tốc Bắc Nam phía Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, giai đoạn 1 đang triển khai 10 dự án, trong đó có 4 dự án sẽ hoàn thành trong năm nay. Các dự án này tiến độ bình quân đạt được hiện nay khoảng 58%, Thủ tướng chỉ đạo rút ngắn thời gian 3 tháng, nhưng thực tế Bộ sẽ tập trung, rút ngắn ở một số dự án, còn một số dự án do vướng mắc chưa thể điều chỉnh được.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: QH)
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: QH)

Có hai dự án đáng lo nhất là Phan Thiết - Vĩnh Hảo, hiện đạt tỷ lệ khoảng 40%, đang phấn đấu đến 30/6 sẽ đạt khoảng 50,8%. Thứ hai là dự án Dầu Giây - Phan Thiết, hiện đạt tỷ lệ 45%, cố gắng hoàn chỉnh phần nền đất trong tháng 6 để tháng 7-8 tập trung thảm nhựa.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ họp giao ban hàng tháng. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Trưởng ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm đều có họp kiểm điểm tiến độ, xem một tháng làm được gì, chậm ở đâu, lý do. Riêng Bộ, hàng tuần các Thứ trưởng đều phải đi công trường, nửa tháng họp một lần để kiểm tra, giám sát tiến độ để kịp thời giải quyết khó khăn. Hiện Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu cuối năm sẽ đưa 361 km của 4 đoạn này hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, cũng còn nhiều khó khăn liên quan thời tiết, phía Nam đang mưa. Vật giá đều tăng nên nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để thông báo giá của địa phương kịp thời và điều chỉnh.

"Với những giải pháp đó, chúng tôi hy vọng trong năm nay hoàn thành 361 km cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1", ông nói.

Mục tiêu cuối năm nay 2022 phải hoàn thành 361 km thuộc 4 dự án cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: thanhnien)
Mục tiêu cuối năm nay 2022 phải hoàn thành 361 km thuộc 4 dự án cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: thanhnien)

Cân đối các tuyến đường cao tốc, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế giữa các vùng, miền

Về giải pháp triển khai một số dự án đường xuyên rừng quốc gia, rừng tự nhiên mà không làm ảnh hưởng lớn đến rừng và môi trường sinh thái, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ có nhiều giải pháp, đã được ứng dụng trong việc xây dựng đường Hồ Chí Minh xuyên qua rừng Cúc Phương. Có thể thực hiện làm đường trên cao, hoặc để tiết giảm chi phí hơn thì làm đường chừa nhiều cầu, hầm để thú rừng có thể đi lại, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế bảo vệ rừng sinh thái, rừng đặc dụng. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc làm đường qua rừng đặc dụng là bất khả kháng mới phải làm, sẽ hết sức tránh để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo các yêu cầu của các tổ chức quốc tế.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện các tuyến đường cao tốc đang còn mất cân đối giữa các vùng, miền, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đang tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như:

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM… Tuy nhiên, đúng như một số đại biểu đã chỉ ra, trong danh sách bổ sung các tuyến cao tốc vào quy hoạch này, khu vực phía bắc vẫn được ưu tiên với chiều dài chiếm gần 2/3, còn lại là khu vực phía nam và miền Trung, Tây nguyên.

Để khắc phục tình tình trạng “lệch pha” trong đầu tư cao tốc hiện nay, Bộ trưởng cho biết vừa qua một số tuyến cao tốc phía Nam đã được phê duyệt, mạng lưới đường bộ cao tốc trong quy hoạch đã được đánh giá, cân đối kỹ lưỡng về điều kiện khu vực, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế giữa các vùng, miền. Hy vọng rằng với các quy hoạch điều chỉnh thì mạng lưới đường bộ cao tốc tại khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thiện hơn, nâng cao tính hấp dẫn khi thu hút đầu tư các tỉnh, thành trong khu vực…

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các dự án trọng điểm quốc gia đều mang tính liên vùng và trong điểm của các địa phương. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ. Ban chỉ đạo đã tổ chức họp định kỳ hàng tháng và trực tiếp kiểm tra công trường để kiểm điểm tiến độ, chất lượng và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án.

Về các gói thầu ký hợp đồng trọn gói giá cố định, Bộ trưởng cho biết hiện ở Bộ Giao thông có một số gói thầu nhỏ, còn những gói thầu lớn đều có điều chỉnh giá, hiện nay việc điều chỉnh giá ở gói thầu lớn tương đối thuận lợi. Với gói thầu nhỏ, Chính phủ đã nghe phản ánh từ các địa phương, Bộ, ngành, gói thầu nhỏ, gói thầu trọn gói, gói thầu cố định giá đang gặp nhiều khó khăn

Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với một số Bộ, ngành nghiên cứu tìm giải pháp theo hướng, xây dựng Nghị định hoặc Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn. Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời hy vọng có sự phối hợp giữa các địa phương và các Bộ, ngành trong tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế giải quyết vấn đề này, khắc phục những khó khăn bất khả kháng trong tình trạng hiện nay.

Về việc huy đông thực hiện các dự án BOT, Bộ trưởng cho biết, năm 2015 rất nhiều dự án BOT được thực hiện một cách sôi nổi. Tuy nhiên, theo nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Mà việc làm tuyến đường mới thì tốn nhiều chi phí, thu phí BOT thì thấp. Do đó, nên vấn đề huy đông thực hiện các dự án BOT đang gặp khó khăn.

Ngoài ra, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư hiện nay chưa thực sự hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải. Do đó, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ để có hướng giải quyết thỏa đáng, khả thi, đưa ra các giải pháp điều chỉnh thể chế, tạo cơ chế tốt hơn.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nam-2022-hoan-thanh-361-km-duong-cao-toc-68027.html