19/01/2025 | 12:13 GMT+7, Hà Nội

Năm 2020, nhiều trường đại học chọn xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Cập nhật lúc: 27/04/2020, 11:07

Tính đến nay, các cơ sở giáo dục Đại học (ĐH) trên cả nước đều đã xác định được phương án tuyển sinh. Cơ bản, các trường ĐH đều lựa chọn xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, năm 2020, Học viện Tài chính tuyển sinh 4.200 chỉ tiêu, trong đó thực hiện các phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển thẳng học sinh giỏi ở bậc THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi THPT năm 2020 ít nhất 50%, số còn lại xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Năm nay nhiều trường đại học chọn kết quả thi THPT để xét tuyển.

Trường ĐH Thương mại vừa thông tin phương án dự kiến tuyển sinh hệ ĐH chính quy năm 2020. Theo đó, trường sẽ xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, năm 2020, trường ĐH Thương mại tuyển 3.800 chỉ tiêu và sử dụng 7 tổ hợp xét tuyển, gồm: D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh); D03 (Toán, Văn, Tiếng Pháp); D04 (Toán, Văn, Tiếng Trung); D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh); D91(Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Pháp); D95 (Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Trung);  A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn). 

Do quy định của Bộ GD&ĐT năm nay bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội) chỉ còn 1 đầu điểm, không tách điểm các môn thành phần nên các trường cũng đã vận dụng linh hoạt để tuyển sinh.

Về xét tuyển, trường ĐH Thương Mại thực hiện xét tuyển theo 2 phương thức: xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Trường ĐH Thương mại cũng đưa ra  ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) là 18, mức điểm này bao gồm điểm thi theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực.

ĐH Đà Nẵng đã họp với lãnh đạo các trường ĐH thành viên và thống nhất 4 phương thức xét tuyển năm 2020. Cụ thể: Thực hiện xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và theo Đề án tuyển sinh riêng của các trường, trong đó mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng. Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với ĐH Đà Nẵng tổ chức.

Xét tuyển dựa trên học bạ THPT điểm môn học trong tổ hợp xét tuyển là trung bình cộng điểm môn học lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (5 học kỳ). Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, sử dụng kết quả thi THPT hoặc kết hợp giữa kết quả thi với điểm học bạ THPT để xét tuyển.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, sau khi có phương án thi tốt nghiệp THPT, trường đã họp bàn, quyết định cố gắng giữ ổn định đến mức cao nhất phương thức tuyển sinh để thí sinh yên tâm học và thi.

"Kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh cùng mặt bằng chung, do đó vẫn đảm bảo chất lượng và công bằng. Việc các trường tổ chức thi riêng không giải quyết được nhiều vấn đề", ông nói.

Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) từng công bố tuyển sinh theo 4 phương thức cũ. Trong đó, việc xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia như các năm trước chiếm tới 40% chỉ tiêu và 60% chỉ tiêu còn lại dành cho 3 phương thức khác.

Tuy nhiên, sau khi chuyển từ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT và có quy chế tuyển sinh năm 2020, trường điều chỉnh đề án tuyển sinh. Việc điều chỉnh phương thức tuyển sinh tới đây sẽ không ảnh hưởng nhiều tới học sinh, thí sinh.

Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM điều chỉnh các phương thức tuyển sinh sau khi có quyết định về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 4 phương thức xét tuyển. Trường dành 40% chỉ tiêu với phương án xét kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp môn Toán - Văn - Khoa học tự nhiên; Toán - Văn - Khoa học xã hội; Toán - Văn - Anh.

Theo kế hoạch tuyển sinh mới, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM sẽ cắt giảm còn 30% chỉ tiêu phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngoài xét tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ GD&ĐT, nhà trường cũng dành chỉ tiêu xét điểm IELTS quốc tế (từ 5.0 hoặc 6.0 tùy ngành, chương trình); xét điểm SAT quốc tế (từ 800 điểm trở lên).

Ngoài ra, ĐH Thái nguyên, ĐH Lâm Nghiệp, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cũng xét tuyển bằng kết quả học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, chỉ khoảng 20% trở xuống thí sinh lớp 12 năm nay dự thi kỳ thi riêng do các trường ĐH tự tổ chức. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ được các cơ sở giáo dục ĐH triển khai theo tinh thần tự chủ, đúng quy định của Luật Giáo dục ĐH, với các phương thức tuyển sinh khác nhau như: sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học THPT (học bạ), phỏng vấn, kiểm tra, … hoặc bổ sung thêm các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.

Các trường tốp đầu, có mức độ cạnh tranh cao thì có thể tổ chức kỳ thi riêng (ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực) để tuyển sinh. Kỳ thi này do các trường tự tổ chức độc lập hoặc liên kết thành nhóm tuyển sinh. Có thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt khác nhau trong năm. Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh quy chế tuyển sinh phù hợp với quy định tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục ĐH.