19/01/2025 | 07:17 GMT+7, Hà Nội

Năm 2018 xây dựng và bảo trì đường bộ “ngốn” hàng nghìn tỷ đồng

Cập nhật lúc: 10/01/2019, 23:00

(CLO) Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao vốn kế hoạch xây dựng cơ bản hơn 3.200 tỷ đồng và vốn kế hoạch bảo trì đường bộ hơn 8.300 tỷ đồng. Đến nay, công tác giải ngân đều đạt 100% nguồn kinh phí được cấp.

Nhiều đoạn tuyến có lưu lượng vượt quá lưu lượng thiết kế cùng với sự gia tăng của các xe tải trọng lớn (Ảnh TL)

Cụ thể, trong năm 2018 đã có hơn 21.400km quốc lộ và đường cao tốc, 229 cầu và nhiều hạng mục khác đã được bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý 322 điểm đen. Trong 16.000km đường bộ quá hạn trung, đại tu do thiếu vốn có hơn 10.600 km đường đã quá thời hạn trung tu và gần 5.700 km đã quá thời hạn đại tu theo quy định nêu trong Thông tư 37 (5 năm đến hạn trung tu, 10 năm đến hạn đại tu).

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, do nhiều đoạn tuyến có lưu lượng vượt quá lưu lượng thiết kế cùng với sự gia tăng của các xe tải trọng lớn là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây xuống cấp nhanh chóng các công trình đường bộ.

Đồng thời, hệ thống quốc lộ còn có khoảng 40% thuộc khu vực miền núi chịu ảnh hưởng lớn của các điều kiện thời tiết, đặc biệt là mưa lũ làm sạt lở, hư hỏng công trình... Những sự cố này đòi hỏi kinh phí cho bảo trì rất lớn và năm sau cao hơn năm trước, quá trình xây dựng lại rất lâu và tốn kém, đặc biệt là những công trình cầu.

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, kể từ năm 2013 khi Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đi vào hoạt động, công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện. Nhưng nguồn của Quỹ còn rất hạn chế so với nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống quốc lộ. Tính đến thời điểm hiện tại, năm 2018, Quỹ mới đáp ứng được 34,81% nhu cầu. Tổng kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm chiếm khoảng 1% tổng giá trị tài sản đường bộ. 

Mới đây, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã trình lên Bộ Giao thông vận tải “Đề án xác định nhu cầu vốn bảo trì quốc lộ đến năm 2030”.

Để khắc phục tình trạng thiếu kinh phí bảo trì hệ thống quốc lộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, ngoài nguồn vốn, cần có các giải pháp đồng bộ, tổng thể để nâng hiệu quả bảo trì. Vì vậy, nội dung đề án phải đề cập toàn diện thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp để đổi mới hiệu quả công tác bảo trì hệ thống quốc lộ.

“Cơ quan chức năng phải tích cực hơn nữa trong đánh giá thực trạng để đề xuất, báo cáo Chính phủ bố trí kinh phí sửa chữa, để mỗi đoạn đường không trở thành “cung đường ám ảnh” với bất cứ ai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.