19/01/2025 | 02:07 GMT+7, Hà Nội

Mỹ ra mắt thiết bị xét nghiệm SARS-CoV-2 trong 5 phút

Cập nhật lúc: 29/03/2020, 08:02

Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp giấy phép khẩn cấp cho phòng thí nghiệm Abbot bắt đầu sản xuất các thiết bị xét nghiệm này để cung cấp cho các cơ sở chăm sóc y tế ngay từ tuần tới.

Nhân viên kỹ thuật kiểm tra mẫu xét nghiệm COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Rochester, bang Minnesota, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông tin trên báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam), phòng thí nghiệm Abbot của Mỹ đã ra mắt một thiết bị xét nghiệm cầm tay có thể thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 5 phút, và thông báo kết quả âm tính trong 13 phút.

Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp giấy phép khẩn cấp cho phòng thí nghiệm trên bắt đầu sản xuất các thiết bị xét nghiệm này để cung cấp cho các cơ sở chăm sóc y tế ngay từ tuần tới.

Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm Mỹ không phê chuẩn hay phủ nhận thiết bị trên, nhưng được quyền cho phép các phòng thí nghiệm và cơ sở chăm sóc y tế sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Thiết bị xét nghiệm trên chỉ có kích cỡ tương đương một lò nướng nhỏ và sử dụng công nghệ phân tử, cho phép thiết bị này được triển khai ở ngoài "4 bức tường của bệnh viện tại các điểm nóng dịch."

Chủ tịch Abbot Robert Ford khẳng định: "Đại dịch COVID-19 sẽ bị đánh bại trên nhiều mặt trận, và một thiết bị xét nghiệm cầm tay dùng công nghệ phân tử cho kết quả trong vài phút sẽ bổ sung vào loạt giải pháp chẩn đoán cần thiết để tiêu diệt virus."

Ông Ford cho biết Abbott đang phối hợp với FEA để gửi bộ thiết bị xét nghiệm này đến các vùng tâm dịch COVID-19.

Liên quan đến diễn biến tình hình dịch bệnh tại Mỹ, báo Tiền phong cho biết, số ca mắc COVID-19 đã gia tăng chóng mặt, vượt mốc 100.000 ca, chiếm 1/6 tổng số ca bệnh toàn cầu. Trong 24 giờ qua, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 16.217 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) lên 101.652 ca. Nước này cũng có thêm 292 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 1.587 người. Với số ca nhiễm mới liên tục tăng vọt qua các ngày, Mỹ đã vượt và bỏ xa Trung Quốc, nơi khởi phát và từng là điểm nóng dịch, trở thành "ổ dịch" lớn nhất thế giới. Trong đó, riêng thành phố New York tới nay đã có ít nhất 25.573 ca mắc COVID-19.

Thị trưởng Bill de Blasio cho biết thành phố đã nhận 2.500 máy thở trong tuần qua, nhưng vẫn cần thêm 15.000 chiếc, trong khi bang New York cần thêm 30.000 máy thở. Trước tình hình đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ đảm bảo thêm 100.000 máy thở trong vòng 100 ngày tới. Rạng sáng 28/3, ông Trump đã chỉ định Cố vấn kinh tế Peter Navarro làm người điều phối Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, nhằm huy động các nguồn lực sản xuất phục vụ chống đại dịch như trong thời chiến.

Hạ viện Mỹ ngày 27/3 (rạng sáng 28/3 giờ Việt Nam) đã bỏ phiếu thông qua "Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh kinh tế" (CARES Act) có qui mô 2.000 tỷ USD nhằm đối phó với những ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 gây ra. Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đã ký phê chuẩn dự luật này. Đây là dự luật hỗ trợ thứ ba và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Donald Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng. Gói cứu trợ 2.000 tỷ USD sẽ hỗ trợ tiền trực tiếp cho mỗi gia đình người dân Mỹ, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp mở rộng, các khoản vay và ưu đãi cho các doanh nghiệp và các nguồn lực y tế cho các bệnh viện, các bang và các vùng lãnh thổ. Ngoài ra, dự luật này cũng yêu cầu các nhà cung cấp bảo hiểm phải chi trả các dịch vụ ngăn ngừa COVID-19...

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày đã thông qua tuyên bố tình trạng đại thảm họa đối với bang Illinois. Trước đó, ông cũng ra tuyên bố tương tự đối với các bang New York, California, Florida, Washington và Louisiana.