19/01/2025 | 06:58 GMT+7, Hà Nội

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm

Cập nhật lúc: 03/10/2021, 06:15

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 8 tháng năm 2021 đạt 61,8 tỉ USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2021, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là nhóm hàng dệt may, đạt 10,5 tỉ USD, tăng 16,3% chiếm 17% tỉ trọng xuất khẩu.

Xuất khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng trong tháng 8 đạt 1,3 tỉ USD, tăng 13,1% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch 8 tháng đạt trên 10,3 tỉ USD, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 16,6% tỉ trọng xuất khẩu.

Nhìn chung, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ 8 tháng đầu năm 2021 tăng kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tăng khá ở các nhóm hàng như: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 57,2%; Sản phẩm từ chất dẻo tăng 87,7%; Sắt thép các loại tăng 420,6%; Sản phẩm từ cao su tăng 72,2%...

Ngược lại, một số nhóm mặt hàng xuất khẩu giảm như: Hạt điều giảm 0,6%; Cà phê giảm 8,9%; Gạo giảm 21,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 61,8 tỉ USD trong 8 tháng năm 2021. (Ảnh minh họa)
Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 61,8 tỉ USD trong 8 tháng năm 2021. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Công Thương, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2021. Dự báo từ nay đến cuối năm, cùng với Trung Quốc và Châu Âu (EU), Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.

Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Để năm bắt các cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn nhằm tăng khả năng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhà xuất khẩu cần lưu ý, để lên kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ, trước khi chuyển hàng phải kiểm tra những hạn chế trong việc nhập khẩu của Mỹ.

Cần ước tính phí hải quan, cung cấp chứng từ theo quy định khi đặt vận chuyển hàng và cung cấp đủ chứng từ theo yêu cầu của các cơ quan có liên quan. Nhà nhập khẩu cần phải nắm rõ được sẽ phải làm việc với cơ quan nào chịu trách nhiệm về các quy định nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ.

Trong quá trình chuyển hàng, doanh nghiệp cần có giấy đảm bảo nợ thuế hải quan, trung thực khai báo hải quan, kiểm tra đội chính xác của chứng từ và nộp phí hải quan đúng quy định.

Ngoài ra, tùy thuộc vào sản phẩm cụ thể mà Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) sẽ làm việc cùng các cơ quan khác như: Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA), Cục Kiểm soát rượu, thuốc lá, vũ khí và chất nổ (ATF)… Các cơ quan này sẽ đặt ra các tiêu chuẩn khác nhau cho mỗi loại sản phẩm.

Trước đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 7/2021 đạt 8,33 tỉ USD. Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 53,9 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/my-la-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-trong-8-thang-dau-nam-59948.html