19/01/2025 | 12:05 GMT+7, Hà Nội

Muôn kiểu lừa đảo vay tiêu dùng trong mùa dịch

Cập nhật lúc: 18/08/2021, 19:10

Những hình thức lừa đảo cho vay tiêu dùng tinh vi như giả mạo ngân hàng hay giả danh tổ chức từ thiện trợ cấp cho người lao động nhằm lấy được thông tin cá nhân, làm giả hồ sơ vay vốn… đang có xu hướng gia tăng.

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều người lao động gặp khó khăn, có nhu cầu vay tiêu dùng để trang trải cuộc sống. Lợi dụng điểm yếu này, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh ngân hàng, công ty tài chính lừa đảo khách hàng vay tiêu dùng.

Muôn kiểu lừa đảo vay tiêu dùng trong mùa dịch
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mới đây, ngân hàng VPBank đã phát hiện ứng dụng VAYTOT mạo danh là app vay tiền của ngân hàng này để yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí mới được giải ngân tiền vay. Sau khi chuyển tiền, khách hàng sẽ không thể liên hệ được theo các số điện thoại của đối tượng lừa đảo.

Cụ thể, đối tượng lừa đảo gửi thông tin hỗ trợ khoản vay lên tới 1 tỷ đồng, yêu cầu khách hàng nhấn vào link theo hướng dẫn để đăng ký vay 70 triệu. Sau đó đối tượng sẽ liên hệ với khách hàng qua Zalo yêu cầu khách hàng hoàn tất hồ sơ xét duyệt, sau đó vào ứng dụng rút tiền về tài khoản của khách hàng.

Khi khách hàng vào ứng dụng thực hiện rút tiền thì phát hiện lỗi, ngay sau đó kẻ gian sẽ gọi điện yêu cầu cung cấp tên, số tài khoản ngân hàng, CMND để sửa đổi giúp. Đồng thời gửi đến khách hàng văn bản “điều khoản thay đổi số tài khoản” (giả mạo dấu đỏ của VPBank) thông báo nạp 10% khoản vay tương đương với 7 triệu đồng để thay đổi số tài khoản (chuyển khoản tới số tài khoản của kẻ lừa đảo) và hứa số tiền này sẽ được hoàn trả vào tài khoản cùng số tiền vay. 

VPBank cho biết ngân hàng không có dịch vụ cho vay tiền qua app VAYTOT. Đây là quảng cáo giả mạo. Các khoản vay tại VPBank không yêu cầu khách hàng phải thanh toán hay nộp bất kỳ khoản phí kèm theo.

Thủ đoạn giả mạo ngân hàng để chiếm đoạt tài sản cũng xảy ra tại Ngân hàng Quân đội MBBank khi một số nhóm đối tượng tự soạn thảo văn bản giả mạo chữ ký, con dấu của chi nhánh ngân hàng.

Theo đó, văn bản giả mạo có nội dung là MB đang liên kết với một công ty cho vay, trong quá trình thẩm định hồ sơ vay có phát hiện một số dấu hiệu nghi ngờ như số tài khoản bị sai, tài khoản có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo… và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định trong công văn để tiếp tục vay tiền. 

Không những giả mạo các tổ chức tài chính, thời gian gần đây cũng ghi nhận thông tin về việc một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tìm đến những người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch để hỗ trợ một khoản tiền trợ cấp từ nước ngoài hoặc từ các tổ chức từ thiện xã hội. Từ đó, lấy được thông tin cá nhân của các nạn nhân để thực hiện hàng loạt hồ sơ vay vốn, mua trả góp thiết bị di động… Hình thức này đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các hội nhóm trên mạng xã hội và gần đây xuất hiện ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi trình độ dân trí còn thấp. 

Cụ thể, các đối tượng này sẽ tìm đến những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm trong mùa dịch nhằm đề nghị giúp đỡ làm hồ sơ để nhận tiền trợ cấp từ nước ngoài hay các tổ chức từ thiện trong xã hội. Sau đó, đối tượng thuyết phục nạn nhân cung cấp giấy tờ tùy thân cùng các thông tin cá nhân khác.

Tinh vi hơn, với hình thức trao đổi qua mạng xã hội, đối tượng thậm chí còn đề nghị nạn nhân gửi video ghi hình lại gương mặt với các cử chỉ quay qua trái, qua phải, chớp mắt trước ống kính… Khi có được những dữ liệu này, đối tượng sẽ tiến hành thực hiện hồ sơ vay vốn tại các công ty tài chính, hoặc các tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt số tiền giải ngân nếu hồ sơ được duyệt.

Trước những thủ đoạn tinh vi nói trên, nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính đã phát đi khuyến cáo với khách hàng phải hết sức thận trọng và tỉnh táo để bảo vệ mình. Bởi tất cả khoản vay của ngân hàng, công ty tài chính không yêu cầu khách hàng phải nạp tiền, chuyển khoản hay thanh toán hay thu bất kỳ loại phí nào trong quá trình xem xét và đánh giá khoản vay.

Đối với hành vi giả mạo tổ chức từ thiện để lấy thông tin, làm giả hồ sơ cho vay, đại diện FE CREDIT khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cho các cuộc gọi, tin nhắn từ người lạ với các nội dung hỗ trợ làm hồ sơ nhận trợ cấp xã hội trong mùa dịch nhưng yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, hình ảnh chụp cận khuôn mặt, clip quay nhận diện khuôn mặt.

Đồng thời, không được chia sẻ các dữ liệu này trên các trang mạng xã hội. Khi có người yêu cầu đưa giấy tờ tùy thân và ký vào một số giấy tờ sẽ được hưởng thù lao theo thỏa thuận, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

Bên cạnh đó, không truy cập vào các đường link lạ được gắn kèm trong nội dung tin nhắn và ký bất cứ giấy tờ nào khi chưa đọc kỹ nội dung, kể cả chữ ký điện tử trên điện thoại thông minh.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/muon-kieu-lua-dao-vay-tieu-dung-trong-mua-dich-20201231000003503.html