18/01/2025 | 14:59 GMT+7, Hà Nội

Mua bán hàng trực tuyến: Phiên chợ luôn mở cửa trong thời dịch

Cập nhật lúc: 31/08/2021, 06:20

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo đã ra đời để phục vụ nhu cầu cấp bách của người dân. Trong đó, hình thức mua bán hàng trực tuyến đang là xu hướng mua sắm hàng đầu.

Tác động của dịch bệnh Covid-19, đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh như phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu…. Trong điều kiện hiện nay, việc đưa các mặt hàng lên sàn thương mại điện tử, thiết nghĩ không nên được coi là giải pháp nữa, mà cần coi đó là chiến lược quan trọng để phát triển kinh doanh hiệu quả phù hợp với thời đại.

Mua bán hàng online
Mua bán hàng online

Tại Việt Nam thì mô hình chợ truyền thống luôn gắn liền với con người nơi đây từ bao đời, thế nhưng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, xu hướng mua sắm của người dân cũng phải thay đổi. Trong đó, nhu cầu mua hàng online của người dân đang tăng mạnh, cách thức mua bán này rất tiện lợi và hạn chế rất nhiều nguy cơ lây chéo dịch bệnh.

Trên các nền tảng số, trước mắt nhằm tạo điều kiện giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh có cơ hội bán hàng Online, Livestream; đồng thời là dịp để các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền giới thiệu tới khách hàng... Bên cạnh đó, thì mục tiêu cốt lõi cần hướng đến khi bán hàng trực tuyến là “Sản phẩm thật - Giá trị thật - Giao dịch thật”.

Chỉ cần một chiếc smartphone có kết nối internet là mọi người dễ dàng tham gia phiên chợ
Chỉ cần một chiếc smartphone có kết nối internet là mọi người dễ dàng tham gia phiên chợ

Trước đó, thị trường thương mại điện tử được đẩy mạnh đã mang lại thành công ngoài sức mong đợi của người dân và chính quyền tỉnh Bắc Giang trong việc tiêu thụ nông sản. Việc mua bán hàng trực tuyến giúp thị trường nội địa được quan tâm mở rộng, và trước kia quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài (như vải thiều Bắc Giang, trước kia tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc là chủ yếu, năm nay trên 60% là tiêu thụ nội địa).Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trên cả nước đang vào vụ thu hoạch một số loại trái cây như: Sầu riêng, bơ, mít, na...thì vấn đề tiêu thụ hàng hóa trên các ứng dụng nền tảng số cần được coi trọng.

Cụ thể, hiện nay, các vườn trồng na tại miền Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên… đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến tình hình vận chuyển, tiêu thụ na gặp khó khăn. Trước tình hình này, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã tham gia cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các địa phương. Với lợi thế về đội xe đông đảo và các bưu cục rộng khắp cả nước, các doanh nghiệp ngành bưu chính đang triển khai nhiều mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu đến với người dân như điểm bán cố định, bán hành lưu động, bán hàng qua thương mại điện tử. Riêng với quả na có đặc thù là chín nhanh, chín rộ trong một thời gian ngắn và rất khó bảo quản, Vietnam Post đã xây dựng kế hoạch để giúp bà con nông dân tiêu thụ bằng nhiều hình thức khác nhau: Từ đóng gói, vận chuyển, tiêu thụ trực tiếp đến tăng cường kênh bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Mới đây nhất, thì văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội cho biết, đang tiếp nhận đơn đăng ký tham gia khoá tập huấn bán hàng online, livestream thứ 3. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP. “Chợ đêm trên mây” là mô hình Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội thí điểm, hỗ trợ xây dựng để tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua đó, là sân chơi để các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tới người tiêu dùng cả nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh, tình hình mua bán hàng trực tuyến đang là xu hướng kinh doanh phù hợp. Nhưng nếu có sự học hỏi, quan tâm, điều chỉnh một cách đồng bộ… thì những phiên chợ luôn mở cửa trực tuyến sẽ không còn là giải pháp nữa, mà sẽ còn gắn bó lâu dài với người dân.

Nguồn: https://congly.vn/mua-ban-hang-truc-tuyen-phien-cho-luon-mo-cua-trong-thoi-dich-194538.html