Một số ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng đáng ngạc nhiên
Cập nhật lúc: 01/06/2023, 09:03
Cập nhật lúc: 01/06/2023, 09:03
Tại báo cáo "Cập nhật ngành ngân hàng và bất động sản và Tác động đến thị trường chứng khoán" do SSI Research vừa công bố cho thấy, nhu cầu tín dụng toàn nền kinh tế rất yếu 4 tháng đầu năm.
Trong nhóm 12 ngân hàng lớn và trung bình mà SSI nghiên cứu, tín dụng chỉ đạt 12% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với quý 1/2022 (20%) và chỉ tương đương với thời điểm dịch bệnh bắt đầu (quý I/2020).
Hiện tại, một số ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng đáng ngạc nhiên. Theo SSI Research, động lực tăng trưởng chính đến từ các khoản cho vay ngắn hạn cho doanh nghiệp. Dư nợ cho vay ngành bất động sản và xây dựng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, có thể thấy rõ tại một vài ngân hàng. Trong khi tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng tốt thì tín dụng các lĩnh vực khác tăng chậm, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước không mấy thuận lợi.
Xét trên toàn hệ thống, theo SSI Research, tín dụng tính tới tháng 4/2023 chỉ tăng khoảng 3% so với đầu năm, riêng tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 9,78%.
Nhiều khả năng, con số mà SSI Research thống kê là tín dụng kinh doanh bất động sản. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó, tính đến ngày 25/4, tín dụng bất động sản tăng 3,51%, trong đó vay mua nhà cá nhân sụt giảm mạnh, vay kinh doanh bất động sản tăng mạnh.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, triển vọng ngân hàng nửa cuối năm sau sẽ phụ thuộc vào sự tiến triển về mặt pháp lý của các dự án bất động sản. Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này, các ngân hàng mới có thể kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ. Hiện tại, vấn đề này đang được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, thay vì một giải pháp tổng thể cho toàn bộ các dự án. Do đó, tác động đối với từng ngân hàng có tỷ trọng cho vay với thị trường bất động sản cũng sẽ rất khác nhau. Tương tự như vậy, việc cơ cấu lại nợ cũng sẽ được cân nhắc theo từng trường hợp cụ thể dựa vào khả năng hồi phục của khách hàng.
Cụ thể, với các dự án không vướng mắc pháp lý, SSI Research kỳ vọng các dự án này có thể nhận được nguồn vốn từ ngân hàng để tiếp tục xây dựng và đủ điều kiện tái cơ cấu. Các khoản cho vay mua nhà liên quan sau đó cũng có thể được xem xét để giãn thời gian trả nợ. Như vậy, nhà phát triển bất động sản có thể hoàn thành dự án và bàn giao căn hộ cho người mua nhà sau này. Theo đó, rủi ro nợ xấu phát sinh từ chuỗi giá trị bất động sản liên quan đến các dự án đó có thể dần được kiểm soát vào năm 2024.
Tuy nhiên, với các dự án có vấn đề pháp lý phức tạp (như sai quy hoạch). Việc gia hạn thêm 1 năm cho các dự án này có thể là chưa đủ. Do đó, việc cơ cấu các khoản vay cho những dự án này và các khoản vay mua nhà liên quan có thể được ngân hàng xem xét một cách cẩn trọng.
Trong khi đó, điểm mấu chốt của những ngành nghề khác (như thép, xuất nhập khẩu, năng lượng tái tạo...) là liệu các doanh nghiệp này có thể sớm có đơn đặt hàng mới trở lại hay có thể đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với giá ưu đãi để cải thiện dòng tiền đủ để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn trong nửa cuối năm 2024 hay không.
“Chúng tôi đang theo dõi việc hạ lãi suất có giúp nhu cầu tín dụng phục hồi hay không đặc biệt là trong thời điểm mà tổng cầu quốc tế và nội địa đều đang rất yếu do tình hình kinh tế không thuận lợi”, các chuyên gia phân tích nhận định./.
Nguồn: https://reatimes.vn/mot-so-ngan-hang-van-dat-muc-tang-truong-tin-dung--20201224000019937.html
18:30, 10/02/2023
12:57, 08/02/2023
13:42, 18/01/2022
07:00, 14/06/2019