23/11/2024 | 17:12 GMT+7, Hà Nội

Một lượng vốn lớn từ ngân hàng sắp đổ vào bất động sản?

Cập nhật lúc: 03/12/2021, 15:03

Việc nhiều ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng đã mở ra kỳ vọng cho một số nhóm ngành, trong đó có cả bất động sản bởi Việt Nam là một nền kinh tế thâm dụng vốn dựa trên đòn bẩy cao.

Số liệu vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%). Điều này phần lớn nhờ các ngân hàng thương mại đã tung các gói, chương trình ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cuối năm.

Tín hiệu từ ngân hàng

Trước diễn biến này, các chuyên gia của Công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định, nhu cầu tín dụng thường tăng mạnh vào thời điểm cuối năm, kéo theo dư nợ tín dụng cũng tăng mạnh hơn. MBS dự đoán tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 sẽ đạt hơn 12%.

Cùng quan điểm với MBS, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, với tốc độ triển khai tiêm vắc-xin tại các thành phố lớn đang diễn ra nhanh hơn dự kiến, dịch bệnh dần được kiểm soát, ít có khả năng thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội sẽ giúp nhu cầu vốn trong nền kinh tế sớm hồi phục.

Ở một góc nhìn lạc quan hơn, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục đi lên và đạt mức tăng 13% cho cả năm 2021. Cơ sở cho nhận định này theo BVSC là bởi trong năm 2020, chỉ trong 1 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã bật mạnh từ 7,26% (cuối tháng 11) lên 12,13%.

Tuy nhiên, hiện hầu hết các ngân hàng đều đã chạm đến hạn mức tín dụng của năm, trong khi đó tăng trưởng tín dụng được đánh giá là yếu tố quan trọng để duy trì lợi nhuận cao. Cùng với đó, báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng cho thấy, dù cần thêm một vài quý để đánh giá chính xác nhưng sự ảnh hưởng của các đợt giãn cách xã hội là không quá mạnh.

Do đó, trong tuần qua, NHNN đã chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng với mức 1 - 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. 

Hàng loạt ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng.
Hàng loạt ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng.

Cụ thể, TPBank là ngân hàng được cấp room tăng trưởng cao nhất với 23,4% cho cả năm nay, tăng thêm 6% so với mức 17,4%. Trước đó, 3 ngân hàng khác được tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay còn có Techcombank 22,1%, MSB 22% và MB 21%.

Tương tự, VIB cũng được nới mạnh room tín dụng lên 19,1%, VPBank 17,1%, OCB 15%, ACB 13,1%. Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước cũng không nằm ngoài xu thế với Vietcombank 15%, VietinBank 12,5% và BIDV 12%.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty chứng khoán Mirea Asset, việc nới room là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để giúp các nhà băng có thêm tiềm lực đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng. Đồng thời cũng mang hàm ý tạo ra sự tiếp diễn cho năm 2022 bởi năm 2021 dù bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 mà tăng trưởng tín dụng vẫn khả quan thì năm sau sẽ cao hơn nhiều, kéo lợi nhuận dồn tích đạt mức tốt.

Vậy, câu chuyện ở đây là ai sẽ được hưởng lợi từ định hướng này? 

Bất động sản được xướng tên

Trong thời gian qua, các ngân hàng đã và đang đồng loạt triển khai những gói vay ưu đãi lãi suất hướng vào nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, thương mại dịch vụ. Theo đó, đây sẽ là những đối tượng được hưởng lợi đầu tiên khi các ngân hàng được có thêm chỉ tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Việt Nam là nước có nền kinh tế thâm dụng vốn dựa trên đòn bẩy cao nên các ngành khác như xuất khẩu, xây dựng… tất nhiên cả bất động sản cũng sẽ được “ăn theo”.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ có nhu cầu dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư và sở hữu bất động sản thay vì chờ gom đủ tiền mới mua nhà. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia tài chính cũng đều đưa ra kiến nghị xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản được dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Thực tế, dù được xếp vào lĩnh vực rủi ro phải kiểm soát chặt chẽ nhưng tín dụng bất động sản vẫn đang có sự tăng trưởng mạnh tại một số ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng bất động sản 9 tháng tại một số ngân hàng so với đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng bất động sản 9 tháng tại một số ngân hàng so với đầu năm.

Có thể kể đến như tại Techcombank, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng 9 tháng đầu năm đạt hơn 130.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,2% so với đầu năm và chiếm đến 40% tổng dư nợ của ngân hàng.

Nếu tính cả các khoản vay cá nhân mua nhà, dư nợ cho vay bất động sản của Techcombank có thể lên tới 74% tổng dư nợ. Tính đến 30/9, cho vay mua nhà của ngân hàng (chiếm 79% cơ cấu cho vay cá nhân) đạt hơn 109.000 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm và chiếm 34% tổng dư nợ của ngân hàng. 

Hay như tại VIB, dư nợ tại lĩnh vực bất động sản trong 9 tháng năm 2021 đã tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17,6% so với đầu năm, đạt 80.000 tỷ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ của ngân hàng.

Không chỉ Techcombank và VIB, theo số liệu Báo cáo tài chính quý III của một số ngân hàng khác như MSB, TPBank, Kienlongbank, Bản Việt cũng ghi nhận tăng trưởng tới hai chữ số.

Nhìn vào diễn biến này có thể thấy, lĩnh vực ưu tiên của nhiều ngân hàng vẫn là bất động sản bởi họ tự tin có thể kiểm soát rủi ro, cùng với đó là tệp khách hàng được đánh giá là "chuẩn chỉ". Do vậy, với hạn mức tín dụng được cấp thêm vừa qua có thể sẽ tiếp tục được "đổ" vào bất động sản./.

Nguồn: https://reatimes.vn/mot-luong-von-lon-tu-ngan-hang-sap-do-vao-bat-dong-san-20201224000008501.html