19/01/2025 | 01:33 GMT+7, Hà Nội

Mỗi miền quê là một “pháo đài” chống dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 23/03/2020, 14:13

Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng với các giải pháp chủ động đã, đang triển khai, chính quyền và người dân ngoại thành Hà Nội đã khẳng định mỗi xóm, làng là một “pháo đài” ngăn chặn...

Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng với các giải pháp chủ động đã, đang triển khai, chính quyền và người dân ngoại thành Hà Nội đã khẳng định mỗi xóm, làng là một “pháo đài” ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Điều đặc biệt là mọi người đều coi việc chống dịch là việc nước, việc làng, việc của mỗi cá nhân để rồi động viên, chia sẻ, hỗ trợ nhau.

Phát tờ rơi, tuyên truyền cách phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm.

Cùng vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm

Tinh thần chủ động tích cực phòng, chống dịch Covid-19 đã lan tỏa tới các xóm làng với nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả. Những ngày này, chị Trần Thị Sinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) đã nhận cho mình nhiệm vụ mua và chế biến thực phẩm giúp các gia đình đang theo dõi cách ly tại nhà. “Cứ 17h hằng ngày, tôi gọi điện đến từng hộ trong xã đang thuộc diện theo dõi cách ly để trao đổi với họ về thực đơn cho ngày hôm sau. Với gia đình có con nhỏ, tôi chủ động nấu cháo cho các cháu. Điều quan trọng là mỗi bữa ăn phải bảo đảm dinh dưỡng để họ yên tâm cách ly”, chị Trần Thị Sinh nói.

Cũng trên địa bàn xã Thụy Lâm, ở thôn Hạ Lâm 3, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân thôn đã vận động, tập hợp hội viên tham gia, mua giúp thực phẩm, cấy và chăm sóc lúa xuân... để người dân thuộc diện cách ly yên tâm. Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Hạ Lâm 3 Dương Bá Chiến cho biết, ngoài các hoạt động thiết thực kể trên, các cấp hội, đoàn thể trong thôn luôn cần mẫn tuyên truyền, vận động người dân tăng cường vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhắc nhở tiểu thương tại chợ đeo khẩu trang khi buôn bán, giao tiếp… Đặc biệt, các hộ dân trong thôn đã ủng hộ 15 triệu đồng để góp phần triển khai phòng, chống dịch bệnh.

Xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) đã chỉ đạo tất cả các thôn, tổ dân phố đặt nước sát khuẩn và bảng hướng dẫn sử dụng tại các điểm công cộng như: Đình, chùa, nhà văn hóa… Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Thị Thu Hồng, để chủ động đối phó với các tình huống phát sinh, Ban Chỉ huy quân sự xã Vĩnh Quỳnh đã thành lập đội phản ứng nhanh 100 người, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu. Còn tại xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh), những ngày qua, lực lượng đoàn viên thanh niên đã tham gia tổng vệ sinh môi trường và phối hợp với các cấp hội phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng tránh sự lây lan của dịch Covid-19.

Tương tự, các cấp hội, đoàn thể chính trị - xã hội ở huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Gia Lâm... cũng đã hiện thực hóa các chỉ đạo của thành phố bằng những việc làm thiết thực để phòng, chống dịch. Điển hình như các cấp hội, đoàn thể chính trị - xã hội tại huyện Sóc Sơn đã vận động, tiếp nhận và cấp phát miễn phí hơn 91.000 khẩu trang, 2.150 chai nước rửa tay, 1.340 bánh xà phòng, 1.380 chai nước muối và cồn 70 độ cho các gia đình chính sách, hộ nghèo phòng, chống dịch Covid-19... Ở huyện Quốc Oai, nhờ sự chủ động, quyết liệt của các cấp nên 100% số hộ kinh doanh karaoke, dịch vụ trò chơi trực tuyến trên địa bàn đã tạm thời đóng cửa. Đặc biệt, thông qua vận động, tuyên truyền, đã có 4 gia đình ở huyện Quốc Oai tổ chức đám cưới người thân gọn nhẹ, giảm 70% lượng khách mời để phòng, chống dịch bệnh...

Ghi nhận về cách triển khai sâu rộng này, ông Nguyễn Trọng Tùng, ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) tin tưởng: “Với tinh thần vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, chúng tôi tin tưởng dịch Covid-19 sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi…”.

Người dân đồng lòng, chung sức

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã lan tỏa mạnh mẽ đến người dân các thôn xóm khu vực ngoại thành, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cùng sẻ chia khó khăn, cùng chung sức phòng, chống dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn Kỳ Thủy, xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Hằng ngày, tôi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh dọn vệ sinh khu vực buôn bán và phối hợp với cán bộ y tế phun thuốc khử khuẩn khu vực chợ, nhà văn hóa... để hạn chế nguồn lây dịch bệnh. Điều đáng quý là người dân ủng hộ, hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc”.

Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh, ở các vùng quê xuất hiện ngày càng nhiều hành động mang đậm tình làng, nghĩa xóm. Tiêu biểu như việc gia đình ông Chu Văn Hùng ở thôn 4, xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) hỗ trợ 35.000 khẩu trang để chung tay phòng, chống dịch Covid-19. “Với mong muốn góp phần nhỏ bé cùng với chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người dân trên địa bàn, nên gia đình tôi đã trích một phần kinh phí để hỗ trợ công tác này”, ông Hùng bộc bạch. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thế Mị, thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) mua 500 khẩu trang và phát cho các lực lượng phòng, chống dịch trên địa bàn cũng với mong muốn chung tay đẩy lùi dịch, bệnh.

Đặc biệt, để chung tay với chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch, dòng họ Lê Văn ở thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) đã coi đây là việc quan trọng của dòng họ, tích cực tuyên truyền, vận động con cháu nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe. Có thể nói, với sự vào cuộc của dòng họ cùng những quy ước riêng, việc phòng, chống dịch trên địa bàn như có thêm động lực mới. Ông Lê Văn Hưng, Trưởng thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn, thành viên dòng họ Lê Văn cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở con cháu hạn chế đến nơi đông người, sử dụng khẩu trang khi giao tiếp hoặc ra khỏi nhà, vệ sinh nhà cửa hằng ngày...”.

Qua việc triển khai công tác phòng, chống dịch ở địa phương, ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho biết: Hiện nay, phần lớn người dân trong xã đều nhận thức được sự nguy hiểm của dịch Covid-19 nên chủ động hợp tác với chính quyền trong phòng, chống dịch. Trong xã, người từ nước ngoài trở về hoặc có trường hợp tiếp xúc gần với người phải cách ly thì gia đình hoặc chính người tiếp xúc đều gọi điện thoại đề nghị lãnh đạo xã cử cán bộ đến kiểm tra, giám sát. Đồng thời, chính những người dân trong thôn, xóm chủ động bảo nhau dọn vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin B...

Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch tại các huyện cho thấy, khi có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, sẻ chia của người dân, thì mỗi thôn, xóm sẽ là một “pháo đài” ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19.