\'Mở bung\' từ 15/3, ngành du lịch sẵn sàng bứt phá
Cập nhật lúc: 18/02/2022, 12:03
Cập nhật lúc: 18/02/2022, 12:03
Kỳ vọng phục hồi
Văn phòng Chính phủ hôm qua (ngày 16/2) vừa có Thông báo số 43 kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch. Thông báo nêu rõ, Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ VHTT&DL và ý kiến các Bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" từ ngày 15/3.
Theo đó, hoạt động du lịch quốc tế và nội địa được mở trở lại hoàn toàn từ thời gian trên bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Các biện pháp kiểm soát đi lại từ khi bùng dịch được dỡ bỏ, dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về xin cấp thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế và thực hiện như trước khi có dịch Covid-19.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist đánh giá, nhu cầu du lịch của du khách trong nước đã ổn định. Cùng với đó, các chủ trương mở lại đường bay quốc tế đi đến các nước đã có triển khai cụ thể từ 15/2 là cơ sở để các đơn vị tiếp tục cập nhật với đối tác nước ngoài. Qua đó, xây dựng sản phẩm đảm bảo điều kiện nhập cảnh đúng thủ tục, an toàn và tránh rủi ro cho du khách.
"Nếu đón khách từ 15/3, các doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục liên quan đăng ký đón khách. Bên cạnh đó cần làm rõ, khi du khách đến Việt Nam sẽ đến 7 tỉnh, thành phố thí điểm hay được đi tất cả các tỉnh thành. Tiếp đó là những chính sách liên quan về thống nhất các quy định trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng mỗi nơi mỗi khác", ông Mẫn nêu.
Là doanh nghiệp có khai thác phân khúc khách quốc tế, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Golden Smile Travel cho biết đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng từ đầu năm 2021 để đón khách trở lại TP. HCM, chứ không phải bây giờ.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings nhận định, với thời điểm mở cửa này, du lịch nội địa có thể phục hồi khoảng 50-60% so với năm 2019 vào tháng 6 tới nếu mọi thủ tục, hướng dẫn được ban hành nhanh chóng; thị trường quốc tế sẽ đạt khoảng 30 - 35%.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Thực tế, nhu cầu du lịch của người dân tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã đem lại những tín hiệu lạc quan về khả năng phục hồi của ngành du lịch trong thời gian tới.
Thống kê từ Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày Tết (từ ngày 29/1 - 6/2), ngành du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng đón lượng khách cao kỷ lục lên tới hơn 300.000 lượt, tăng 566,7% so với Tết năm ngoái. Riêng TP. Đà Lạt, lượng khách lưu trú ước đạt 105.000 lượt, tăng 129,3% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, từ 27 tháng chạp đến mùng 6 Tết, toàn tỉnh Khánh Hoà đón khoảng 98.600 lượt khách du lịch, gồm 95.600 lượt khách nội địa, 3.000 lượt khách quốc tế; thu về 524,3 tỷ đồng.
Tổng doanh thu của ngành du lịch TP. HCM trong dịp Tết qua đạt hơn 3.100 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với những tháng sau giãn cách. Nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi... cũng đón lượng du khách vượt xa kỳ vọng.
Bên cạnh đó, Thống kê của Cục Hàng không cũng ghi nhận những con số khả quan. Trong thời gian thí điểm nối lại các đường bay quốc tế từ ngày 1/1 đến ngày 14/2, Việt Nam đã có 153.000 lượt khách bay quốc tế thường lệ đi/đến.
Trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, trung bình khách quốc tế đi/đến Việt Nam chỉ khoảng 40.000-50.000 lượt khách/tháng.
Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã mở lại các đường bay thường lệ đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Đức, Anh, Pháp, Nga và Mỹ. Có khoảng 23 hãng hàng không quốc tế cũng đã nối lại đường bay thường lệ tới nước ta.
Đối với Trung Quốc, các hãng hàng không vẫn đang thực hiện chở khách chiều từ Trung Quốc vào Việt Nam; còn chiều từ Việt Nam đi Trung Quốc đang hạn chế do chính sách phòng chống dịch Covid-19 của nước này.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế này.
Hiện các bộ ngành đã thống nhất báo cáo Chính phủ đến thời điểm 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa; thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.
Nguồn: https://congluan.vn/mo-bung-tu-15-3-nganh-du-lich-san-sang-but-pha-post181804.html
09:06, 17/02/2022
09:30, 11/02/2022
06:27, 02/02/2022