Mẹo nhận biết hải sản tươi, ngon, sạch dễ dàng, chính xác
Cập nhật lúc: 06/03/2018, 20:30
Cập nhật lúc: 06/03/2018, 20:30
Ngoại trừ trường hợp chọn được mực đang bơi thì ưu tiên hàng đầu của các bà nội trợ là mực cấp đông khi đang còn sống để giữ được chất lượng như ban đầu.
Mực cấp đông khi đang còn sống có thể nhận biết thông qua các tiêu chí như: Mắt màu xanh, thân màu xanh nước biển, gần như trong suốt. Khi xào, mực cấp đông khi đang còn sống không ra nước hoặc ra nước gần như không đáng kể, thịt ngọt, thơm và chắc, râu mực còn gắn chặt với đầu.
Mực đông lạnh khi đã chết thường có màng mắt màu đục, thịt nhũn và ít ngọt hơn.
Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh còn phù phép những con mực đã chết thành mực tươi ngon bằng hóa chất hay ngâm nước để tăng trọng lượng. Khi chế biến, nếu mực ra nhiều nước thì mực đã bị ngâm nước để tăng trọng lượng, hòng thu lãi mạnh khi bán.
Đối với tôm, người tiêu dùng thường quan tâm đến các vấn đề như: Tôm có bơm tạp chất hay không, phân biệt tôm đồng và tôm biển hay phân biệt giữa tôm biển tự nhiên và tôm biển nuôi.
Tôm bơm tạp chất: Các cơ sở thương lái thường bơm tạp chất vào tôm để tôm nặng cân và có màu sắc tươi hơn. Ăn phải những loại tôm này, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Để nhận biết tôm tiêm tạp chất thì người dùng nên quan sát phần lưng tôm. Nó sẽ bị phì và múp míp một cách bất thường do bơm căng quá đà, đến nỗi các đốt trên lưng tôm giãn ra, con tôm thường thẳng đơ chứ không cong một cách tự nhiên như tôm thường. Phần vỏ đầu của tôm bơm tạp chất dễ tách rời phần thân.
Tôm tươi ngon tự nhiên sẽ có phần đuôi cụp nhưng nếu bơm hóa chất thì phần đuôi tôm xòe ra như cánh quạt.
Nếu là tôm ngậm ure hay hóa chất thì thường bị trương phềnh bụng và lưng, có nước rỉ ra từ các đốt. Nhìn bằng mắt sẽ thấy màu sắc của nó nhợt nhạt, thân tôm màu sắc không đồng nhất.
Nếu chẳng may mua phải tôm ngậm hóa chất khi nấu sẽ dễ dàng ngửi thấy tôm có mùi lạ, thịt bị teo lại và ăn có vị nhạt. Nếu là tôm bơm tạp chất là thạch khi nấu chín sẽ thấy lớp rau câu nằm ở các rãnh, dưới mang.
Tôm biển nuôi và tôm biển tự nhiên: Do đặc điểm sinh sản nên chỉ có tôm biển tự nhiên mới có trứng. Tôm biển nuôi không bao giờ có trứng.
Tôm biển tự nhiên thường có vỏ dày hơn, chân và râu sắc hơn, màu sắc đa dạng và sắc nét hơn. Trong một mẻ tôm biển tự nhiên thường sẽ có nhiều màu sắc khác nhau trong khi tôm biển nuôi sẽ có màu sắc gần như giống hệt nhau.
Tôm đồng và tôm biển: Còn cách phân biệt tôm đồng và tôm biển thì dễ dàng hơn nhiều. Chị em nội trợ hãy quan sát lưng và bụng tôm. Vào mùa sinh sản, nếu tôm có dải trứng màu xanh chạy ở trên đầu, dọc theo sống lưng thì đó là tôm biển. Đối với tôm sông chỉ có trứng ở dưới phần bụng.
Trứng tôm biển khi nấu chín nhìn giống gạch cua. Tuy nhiên, do không biết nên nhiều người tưởng dài trứng màu xanh trên lưng tôm là đường ruột tôm và thường rỉ tai nhau phải tách bỏ trước khi chế biến.
Với loại hải sản như ghẹ người tiêu dùng không cần quá lo lắng bởi ghẹ rất khó nuôi nên gần như 100% ghẹ đều là tự nhiên. Vì vậy, bạn chỉ cần chú ý chọn ghẹ chắc, thịt ngon hoặc cấp đông ngay khi còn sống là được.
Ghẹ sẽ lột vỏ vào thời điểm giữa tháng (ngày rằm) vì vậy thời điểm này ghẹ rất óp, ít thịt và không chắc. Chỉ nên mua ghẹ vào những ngày đầu tháng hoặc cuối tháng khi ghẹ đã no đủ.
Nếu quan sát bằng mắt thường, hãy chú ý đến màu lớp da lụa trên càng nhỏ của cua. Nếu lớp da này màu hồng đỏ hoặc hồng sậm thì ghẹ béo nhiều thịt hơn. Nếu như lớp lụa này không thẳng mượt mà nhăn nheo thì đó là ghẹ ốm do đã "lên bờ" thời gian dài.
Để chọn được con ghẹ ngon, người nội trợ hãy dùng tay ấn vào phần yếm, chắc tay là ghẹ ngon, chắc thịt, lõm vào là ghẹ óp.
Còn cách khác để chọn ghẹ ngon là dùng tay bóp vào đốt thứ 2 của chân thứ 2 (sau càng to) nếu thấy chắc là ghẹ ngon. Bạn cũng nên chọn ghẹ có ba chấm xanh trên mai bởi đây là loại ghẹ ngon, bổ dưỡng và nhiều thịt nhất.
Nếu bạn muốn ăn ghẹ nhiều trứng thì chọn những con có yếm to bởi đó là những con cái. Còn nếu muốn ăn ghẹ nhiều thịt hơn thì hãy chọn con đực có yếm nhỏ hơn.
Còn một cách phân biệt nữa khi bạn hấp ghẹ lên, chỉ có con ghẹ còn sống khi hấp thì mới có thể bóc được các thớ thịt ở chân và càng. Còn ghẹ chết thì thịt thường bị nát và rất khó bóc.
Với các loại cá thì hàn the và ure là thứ hay được dùng để ướp làm cho cá có vẻ tươi lâu và đẹp mắt hơn. Các loại cá đánh bắt xa bờ và nhiều đạm như cá thu dễ bị ươn sẽ thường được ướp hai chất này.
Nếu ăn phải cá có hàn the và ure lâu ngày thì cơ thể người sẽ bị suy nhược, biếng ăn, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến gan thận, não bộ, … Để chọn được con cá tươi không bị ngâm tẩm hóa chất, người nội trợ phải quan sát thật kỹ cá.
Khi mua cá, bạn có thể lật mang lên để xem, nếu mang còn máu hoặc màu đỏ tươi là cá sạch, tươi ngon. Hơn nữa, cá tươi cũng có vảy óng ánh và bám chặt không dễ tróc khỏi thân, không chảy dịch nhớt và không có mùi hôi.
Còn một cách khác là dùng tay ấn vào mình cá, nếu như cá lõm xuống thì không phải cá đánh bắt trong ngày. Thịt cá tươi đánh bắt trong ngày có độ đàn hồi tốt, khi ấn xuống sẽ tự phồng lên trở lại.
Khi đã chế biến, ngoài việc thịt cá nhão, không có mùi thơm thì cá ướp hàn the sẽ nổi bọt đen xỉn. Ngoài ra, với những con cá ướp hàn the, ure sẽ ngấm chất độc khiến xương cá đen xỉn không trắng trong như cá tươi.
Để hạn chế những loại cá ướp ure và hàn the, người tiêu dùng nên chọn loại con nhỏ được ngư dân đánh bắt gần bờ đi về trong ngày.
07:58, 23/02/2018
08:03, 01/07/2017
07:04, 09/05/2017
09:02, 26/04/2017
06:47, 01/08/2016