19/01/2025 | 18:35 GMT+7, Hà Nội

Mẹ nấu ăn thế này, con sẽ hết “hội chứng chán học” sau Tết

Cập nhật lúc: 19/02/2019, 03:00

Sau Tết là kiểm tra giữa học kỳ 2, nhưng nhiều học sinh vẫn ham chơi, ngủ muộn, chểnh mảng học vì “hội chứng chán học sau Tết”. Những thực phẩm dưới đây sẽ giúp trẻ chóng tỉnh táo, thải độc cơ thể sau kỳ nghỉ Tết kéo dài.

“Hội chứng chán học sau Tết"

Nghe cu Tí bảo: "Đang yên đang lành tự dưng hết Tết. Bố đi làm, con đi học, khổ ghê", chị Lê Hồng (Thụy Khuê, Hà Nội) phì cười. Nhớ mấy năm trước những ngày đầu tiên sau Tết các con trở lại trường, phải mất tới 3 tuần vợ chồng chị mới đưa con trở về lịch sinh hoạt bình thường vì hai đứa đều kêu chán học, ngủ lăn lóc không muốn dậy, đứa nhỏ 4 tuổi học mẫu giáo mè nheo khóc lóc. Đứa lớn học lớp 5 tối ăn xong bố mẹ không nhắc là lờ đi không vào bàn học.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm nay chị Hồng có “bí kíp” dỗ con trở lại trường sau Tết. 2 ngày trước khi đi học lại, chị Hồng gọi con dậy đúng giờ cho quen mắt. Tới ngày đi học, con có vẻ không muốn dậy, chị bảo: “Mẹ chỉ muốn ở nhà ôm Bi, ôm Sóc thôi, không muốn đi làm đâu. Nhưng nếu bố mẹ không đi làm thì không có tiền nuôi Bi, nuôi Sóc. Không đi học thì các con học dốt, kém các bạn. Hai mẹ con mình cùng cố gắng nhé!”.

Mấy ngày đầu chị sắp xếp công việc về sớm đón đứa nhỏ, cơm nước gia đình. Hai vợ chồng dành nhiều thời gian hơn cùng con ôn bài, chơi trò chơi. Sau 3 ngày, các con chị đã vui vẻ với lịch học ổn định.

Nhiều thầy cô giáo cũng phàn nàn, sau Tết đi học trở lại, nhiều trẻ mầm non đang ăn vẫn ngủ gật, hay khóc, nhõng nhẽo... Trẻ lớn hơn phổ biến không tập trung học, nói chuyện nhiều, làm việc riêng, chơi và hay mang đồ chơi, đồ ăn Tết đến lớp... Một số học sinh theo cha mẹ đi du lịch về quê, do đi lại nhiều, ăn uống thất thường nên sức khỏe chưa hồi phục, không bắt kịp nhịp học, uể oải, không tập trung, quên chữ, quên cách làm toán…

Đó là “hội chứng chán học sau Tết” mà nhiều học sinh mắc phải sau kỳ nghỉ Tết. Nguyên nhân do nghỉ Tết dài ngày, trẻ được vui chơi ngủ nghỉ tự do, không phải học, không bị cha mẹ thầy cô nhắc học, còn được ôm điện thoại, chơi game, xem tivi… quá nhiều. Nếu trời rét trẻ phải dậy sớm đi học lại càng thêm uể oải, chán học… khiến các bố mẹ đau đầu ổn định sinh hoạt, còn các thầy cô giáo vất vả để ổn định lại nếp học tập.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cần bố mẹ đồng hành với con để chống “hội chứng chán học sau Tết”

Để chống “hội chứng chán học sau Tết” và nhanh chóng bắt nhịp khi trở lại trường, cần có sự đồng hành của bố mẹ trong cách bồi dưỡng ăn uống cho trẻ để khắc phục mệt mỏi sau Tết, sớm bắt nhịp khi trở lại trường. Bác sĩ Hoàng Xuân Đại (nguyên bác sĩ BV Quân y 103) khuyên:

Ngoài việc luôn kiểm tra, nếu có khả năng thì học bài, sắp xếp sách vở hôm sau đi học cùng con, các bố mẹ cần chú ý nấu ăn và cần làm các việc sau ngay cho trẻ:

- Sáng dậy cho trẻ uống một cốc nước hơi ấm, pha với chanh kèm theo vài giọt mật ong giúp thanh lọc cơ thể, giải độc nhất là những ngày Tết nếu ăn quá nhiều thực phẩm nhiều chất và đồ chiên rán.

- Hãy nấu đa dạng món ăn, nhưng cần làm món ít dầu mỡ. Có nhiều cách để biến món ăn vừa giữ được mùi vị hấp dẫn, vừa không hại sức khỏe như hấp, luộc… giúp ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe của trẻ.

Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định, cần cho trẻ ăn đủ 3 bữa và đúng giờ, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối dinh dưỡng mỗi bữa ăn.

- Sớm trở lại thói quen ăn đồ tươi và nóng sốt hàng ngày, nấu cơm đều đặn, chế biến món ăn nhiều rau, ít xào rán, những bát canh nóng hổi. Không nên cho trẻ ăn nhiều đồ ăn nguội, đồ trữ tủ lạnh lâu ngày không còn tươi ngon. Lựa chọn thực phẩm cần tươi sống, đảm bảo vệ sinh để tránh phát sinh các bệnh lý về đường tiêu hóa.

- Cho trẻ ăn thêm hải sản tăng cường sức khỏe giàu cam xin, chống ngán.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống thêm chất xơ, hạn chế đồ ngọt có ga, đồ ăn sẵn, đồ đóng hộp… để trẻ giữ được sức khỏe tốt, khỏe mạnh trước khi đi học.

- Cho trẻ ăn nhiều rau, hoa quả: Đây là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo. 1 đĩa rau xanh hay trái cây tươi mát là cách tốt nhất để bớt ngán, tránh tăng cân. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh giúp phục hồi chức năng cho gan, tốt nhất là rau lá xanh, củ cải, cà rốt, cải bắp, cải xoăn… Các loại rau súp lơ, bắp cải cải thiện cho chức năng thận sau Tết, giúp cơ thể khỏe mạnh, sảng khoái, không mệt mỏi khi học, thanh lọc cơ thể.

- Uống đủ nước (khoảng 2 lít nước/ngày) để đảm bảo sự hấp thu, chuyển hóa để tỉnh táo, cơ thể không mệt mỏi vì thiếu nước. Lười uống nước là cơ thể sẽ tích tụ chất độc nhất là sau Tết.

- Mỗi ngày ăn một quả bưởi sức đề kháng cơ thể gia tăng, thoải mái.

Giúp học sinh vượt qua tâm lý "chán học, thích chơi' sau Tết

Để chống lại chứng chán học sau Tết, và sớm bắt nhịp học tập trở lại cần có bố mẹ đồng hành, khơi gợi cảm hứng học tập cho trẻ, nhắc nhở tạo đà cho việc học.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từng chia sẻ, bố mẹ cần khuyến khích trẻ lấy lại động lực học tập bằng những câu chuyện vui, những nhắc nhở nho nhỏ “không nên chơi, hoặc ngủ quá nhiều kẻo chây ì”, có uốn nắn, động viên trẻ phát huy tính tự giác hoàn toàn trong giai đoạn này sẽ rất khó giúp các em lấy lại được thăng bằng sau nghỉ Tết.

Nhiều thầy cô khuyên rằng, sau Tết dù có ép HS chuyên tâm chuyện học ngay cũng không đạt kết quả. Nếu không cẩn thận sẽ gây tác dụng ngược khiến học trò chán nản, rơi vãi kiến thức. Vì vậy thầy cô, cha mẹ cần dẫn dắt từ từ, ngoài ôn lại kiến thức, cần tạo không khí vui vẻ qua các trò chơi nhẹ nhàng, vui nhộn, hay những câu chuyện vui, và các sinh hoạt tập thể, du xuân… tạo động lực học tập năm mới đầy ý nghĩa.

Ngọc Hà