19/01/2025 | 09:20 GMT+7, Hà Nội

Mập mờ nguyên liệu làm bánh Trung thu

Cập nhật lúc: 28/08/2015, 04:40

Thị trường bánh trung thu đang vào thời điểm sôi động đặc biệt là các nguyên liệu tự làm bánh. Tuy nhiên người tiêu dùng cần cẩn trọng trước những nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Nhân bánh trung thu nhập từ Trung Quốc

Theo tin từ An ninh Thủ đô, ngày 25/8, Phòng 6, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường Bộ Công an phối hợp với CATP Hà Nội, Đội QLTT số 4 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra kho hàng thực phẩm tại 84 phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ gần 1 tấn nhân bánh Trung thu do Trung Quốc sản xuất.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình đủ giấy tờ hợp lệ. Ngoài ra, lực lượng còn phát  hiện một số chất phụ gia, nguyên liệu sử dụng làm bánh Trung thu đã hết hạn sử dụng. 

Lực lượng chức năng kiểm tra kho thực phẩm tại số 84 phố Phú Viên, phường Bồ Đề

“Do lợi nhuận cao, một số cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh bánh Trung thu đã bất chấp quy định của pháp luật, sản xuất, làm nhái, làm giả các loại bánh Trung thu.

Nhiều cơ sở kinh doanh sản xuất sử dụng nguyên liệu thường được nhập từ nước ngoài vào nhưng không có nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, giấy chứng nhận đảm bảo ATTP, không công bố hợp quy, phù hợp ATTP hoặc không đúng với nội dung công bố chất lượng sản phẩm, sử dụng các chất phụ gia quá mức.

Thậm chí, có những cơ sở kinh doanh các loại bánh đã hết hạn sử dụng bằng cách tẩy xóa, in dán lại nhãn mác, thời hạn sử dụng” - Trung tá Trần Anh Tuấn cho biết.

Ngoài ra, Trung tá Tuấn khẳng định, trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện sai phạm, ngoài việc xử lý theo quy định, lực lượng chức năng còn phối hợp với cơ quan báo chí thông tin để người dân nhận biết, từ đó khuyến cáo đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu có đủ các điều kiện theo quy định mua hàng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội đã triển khai đến từng làng nghề, phối hợp với chính quyền cơ sở ký cam kết với các hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc về ATTP.

Nhá nhem nguyên liệu làm bánh “ba không”

Theo tin trên tờ Người tiêu dùng, thời điểm này, các chợ lớn trong khu vực Hà Nội như chợ Hôm, chợ Đồng Xuân và phố Hàng Buồm trở thành điểm đến của nhiều bà nội trợ và các bạn gái trẻ có nhu cầu mua nguyên liệu làm bánh trung thu handmade.

Tại đây, các nguyên liệu làm bánh dẻo, bánh nướng được bày bán với đầy đủ chủng loại. Từ các nguyên liệu làm nhân bánh như mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, hạt sen... đến các loại nước đường, nước hoa bưởi cùng bột bánh dẻo, bánh nướng để làm vỏ bánh…, nói chung khách hàng muốn mua thứ gì chủ hàng đều sẵn sàng cung cấp.

Năm nay, ngoài nhân khô, các cửa hàng còn bán thêm các loại nhân đóng gói sẵn loại 2 kg, 5 kg, như sen nhuyễn, trà xanh, khoai môn, đậu xanh, sữa dừa.

Hàng loạt nguyên liệu làm bánh trun thu không nhãn mác được bày bán tràn lan trên thị trường

“Làm nhân bánh thập cẩm thì em cần mua mứt bí, hạt dưa, vừng rang, hạt sen… Mỗi thứ một ít trộn lẫn vào nhau là ra nhân bánh thập cẩm thôi”, vừa nói bà chủ vừa chỉ vào một loạt túi nilông màu đã khá cũ bẩn đựng các loại nguyên liệu làm bánh bày trên kệ quầy.

Qua quan sát của phóng viên, tất cả các loại nguyên liệu này đều không có bất kỳ nhãn mác gì chứ chưa nói đến ngày sản xuất hay hạn sử dụng. Phóng viên tỏ ra e dè khi phát hiện túi hạt dưa bóc vỏ đã ẩm ỉu, thậm chí có hạt bị mốc thì bà chủ quầy liền hiến kế: “Em về nhà rửa sạch 1 lượt rang lại thế là ngon ngay. Hàng này chỉ bán 1 mùa mà em. Chắc tại thời tiết thất thường nên mới bị ẩm mốc”.

Theo lời một người bán hàng trên phố Hàng Buồm, năm nay phần lớn người tiêu dùng lựa chọn các túi nhân bánh như thế này bởi rất tiện lợi, chỉ cần thêm bột, cho vào khuôn là thành bánh Trung thu. 2kg nhân là có thể làm 40-50 chiếc bánh.

Trong khi đậu xanh bóc vỏ trên thị trường đã có giá khoảng 40.000 đồng/kg thì 1kg nhân đậu xanh để làm bánh Trung thu lại chỉ có giá nhỉnh hơn là 42.000 đồng/kg.

Còn nhân bánh hạt sen có giá 130-150.000 đồng/2kg, trong khi hạt sen khô đã có giá lên đến 100.000 đồng/kg, nhân trà xanh có giá 110.000 đồng/kg, lạp xưởng có giá 80.000 đồng/kg trong khi giá thịt lợn tại các chợ cũng có giá từ 80.000 – 90.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, điều đáng nói là người tiêu dùng dường như khá thờ ơ với nguồn gốc xuất xứ của các nguyên liệu làm bánh Trung thu trên thị trường.

Bạn Nguyễn Thu Ngân đi mua nguyên liệu làm bánh trung thu tại một cửa hàng trong chợ Đồng Xuân, khi được hỏi về việc các nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng, một bạn cho biết: “Mua các nguyên liệu sẵn có này về mình chỉ việc làm ăn luôn, không mất nhiều thời gian mà giá cả lại phải chăng. Đợt này cũng mới vào mùa làm bánh Trung thu nên chắc nguyên liệu cũng mới, không lo bị quá hạn đâu”.

Còn tại một cửa hàng trên phố Hàng Buồm, khi thấy phóng viên thắc mắc về hạn sử dụng, nhãn mác, người bán hàng khó chịu: “Muốn đồ rẻ lại còn đòi hỏi đồ xịn, nguyên liệu làm bánh trung thu của chị làm từ nguyên liệu tự nhiên, phơi sấy thủ công nên để thoải mái em ạ”.

Kiểm soát không chặt, các thương hiệu uy tín lao đao vì giá

Chị Linh - Chủ cửa hàng bánh trung thu handmade Cheries Cake trên phố Nguyễn Trãi tỏ ra lắc đầu ngán ngẩm: “Năm ngoái, cửa hàng luôn đông nghịt khách đến mua hàng, vì trào lưu bánh trung thu handmade mới nổi, song đến năm nay, người bán bắt đầu ngóng người mua vì đa số mọi người tự mua nguyên liệu về làm bánh và cho rằng như vậy sẽ lời lãi hơn”.

Chị Linh cũng cho biết thêm: “Hầu hết, nhìn vào bánh, người tiêu dùng sẽ rất khó để phân biệt được đâu là loại bánh được làm từ nguyên liệu không nhãn mác, giá rẻ, hầu hết, mọi người chỉ quan tâm đến giá thành, trừ khi mua  làm quà biếu tặng, để một thời gian lâu, bánh có hiện tượng mốc thì mới phân biệt được.

Nguyên liệu chị tự làm chỉ để được khoảng từ 5 – 7 ngày là nhiều, nếu nói không thời hạn thì vô lý quá, chắc chắn phải có hóa chất ở trong nguyên liệu từ mới có thể giữ lâu như vậy được”.

Những can nước đựng nước làm bánh dẻo, bánh nướng không nhãn mác bày bán công khai trên phố Hàng Buồm.

“Giá một chiếc bánh trung thu handmade chị bán từ 20.000 – 25.000  đồng/ chiếc, đã rẻ hơn nhiều so với bánh trung thu thường, song nhiều người tiêu dùng đến mua vẫn thắc mắc khi họ mua khoảng 100.000 nguyên liệu là có thể làm được đến 20 chiếc bánh trung thu handmade”. Chị Linh cười trừ

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các Sở Y tế, thường trực ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu.

Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật, song thị trường nguyên liệu bánh trung thu không nhãn mác vẫn thản nhiên thu hút người tiêu dùng “ham của rẻ”.

Được biết, xu hướng tự làm bánh trung thu sẽ ngày càng phát triển và rất đáng khuyến khích, nhưng thực tế, tất cả các công đoạn làm bánh, mua nguyên liệu đều mua sẵn ngoài thị trường, rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguyên liệu làm nhân bánh như trứng muối, thịt mỡ, xúc xích, lạp sườn rất dễ ôi thiu…, chưa kể người sản xuất còn sử dụng chất bảo quản, hương liệu tạo mùi. Bởi vậy, vấn đề ở đây là cơ quan chức năng chưa có tổ chức giám sát về vấn đề an toàn thực phẩm bánh trung thu./.