Mánh lới kiếm thêm tiền "chênh lệch" của nhân viên bán hàng
Cập nhật lúc: 13/06/2015, 06:00
Cập nhật lúc: 13/06/2015, 06:00
Trên Facebook cá nhân, anh P.T.T. cho hay anh mới mua 4 cái áo tại hãng thời trang Kh. trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), tổng cộng hết 1,7 triệu đồng. Tuy nhiên, mặc dù đang có chương trình khuyến mãi, nhân viên ở đây cố tình lờ đi.
Sau khi thắc mắc ở ngoài kia có quảng cáo mua 2 tặng 1, và hỏi mua 4 áo thì có được khuyến mãi gì không thì hai nhân viên này mới giải thích rằng, chương trình khuyến mãi mua 2 sản phẩm có tổng tiền trên 800.000 đồng thì được tặng 1 ca sứ. Anh định không lấy vì ở nhà có nhiều rồi.
Tuy nhiên, khi ra về, đến lúc lấy xe máy lại nhìn thấy cái quảng cáo khuyến mãi. Ấm ức, anh bèn hỏi lại người trông xe, khi đó người trông xe mới chạy vào trong đem một chiếc ca sứ ra đưa”, anh Th. kể.
Theo anh Pham Trong Th., đây là cách làm không chuyên nghiệp, không có tâm của người bán hàng. Lẽ ra, thay vì để khách hàng hỏi, ngay từ đầu nhân viên phải chủ động giới thiệu chương trình khuyến mãi bởi đó là quyền lợi khách hàng.
Nếu khách hàng từ chối là việc của họ. Còn nhân viên cố tình quên (vì bận rộn hoặc đãng trí,...) hoặc cố tình ỉm đi (có thể là vì lợi ích cá nhân) thì chắc chắn đây là một cách làm kém hoặc không có tâm.
Liên quan đến chuyện lờ tịt quà khuyến mãi cho khách, chị Nguyễn Phương Thảo cũng cho hay chị đã gặp nhiều chứ không phải một hay hai lần. Mỗi lần như vậy chị đều phải nhắc, phải “đòi” thì nhân viên bán hàng mới đưa.
Chị kể, gần đây nhất chị đi mua mỹ phẩm của một thương hiệu lớn trên phố Bà Triệu, nhân viên tại đây cố tình quên và “cầm giùm” khách mấy cái mặt nạ và mẫu thử khuyến mãi như chương trình quảng cáo tại đây.
Đến lúc thanh toán xong, chị thắc mắc thì nhân viên mới đưa cho và vội vàng giải thích “em vội quá quên mất, chị thông cảm”.
Do nhiều lần rơi vào tình huống này nên không ít ý kiến cho rằng, chuyện quên hàng khuyến mãi của khách là một mánh lới để nhân viên bán hàng kiếm thêm đồng ra đồng vào.
“Chẳng hiểu các bạn trẻ bây giờ ăn gì mà trí nhớ kém thế, toàn ‘quên’ với ‘nhầm’. Mà toàn ‘quên’ có lợi cho mình, hại khách thôi, chẳng thấy ngược lại bao giờ”, thành viên CoffeeM. phàn nàn trên một diễn đàn sau nhiều lần bị “quên” không trả hàng khuyến mãi.
Ngoài chuyện cố tình quên, theo CoffeeM., nhân viên bán hàng còn cố tình không in hóa đơn để ăn tiền chênh lệch của khách. Đơn cử, chị này kể có vào mua hàng tại shop thời trang B. trên phố Bà Triệu, khi thử xong hai chiếc quần, đem ra quầy thanh toán hỏi giá thì nhân viên trả lời một cái 120.000 đồng, một cái 150.000 đồng.
“Em lấy cái nhân viên nói 150.000 đồng và trả tiền. Tuy nhiên, đứng chờ mãi không thấy nhân viên đưa hóa đơn. Hỏi thì em ấy chép miệng bảo không cần hóa đơn đâu chị ạ.Đến lúc kiên quyết nói muốn lấy hóa đơn thì em ấy mới miễn cưỡng in và đưa cái hóa đơn giá trị 99.000 đồng, đồng thời trả lại 50.000 đồng tiền thừa. Sau đó, không có một lời xin lỗi nào”, chị bức xúc.
Vì thế, thành viên CoffeeM. lưu ý, khi mua hàng, dù bất cứ món hàng giá trị lớn hay nhỏ, cần yêu cầu nhân viên bán hàng in hóa đơn đàng hoàng, còn nếu có hàng khuyến mãi thì phải nhắc đưa ngay nếu nhân viên quên.
“Đơn giản như em nhân viên ở hãng thời trang B., mỗi cái quần em kiếm được 51.000, ngày bán 10 cái quần như thế có khi em ấy kiếm được nhiều hơn cả quản lý của mình”.
Trịnh Thị Lan - từng là nhân viên bán mỹ phẩm cho một cửa hàng mỹ phẩm lớn trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), cho hay, cửa hàng mỹ phẩm rất hay có sản phẩm tặng kèm cho khách như mẫu thử, mặt nạ rồi giảm giá trực tiếp,... Nếu khách không để ý, không nhắc thì nhân viên bán hàng như Lan cũng giả vờ quên luôn.
“Cuối ngày chốt đơn hàng bán ra, bọn em sẽ tự tính được lượng hàng bán ra và lượng hàng khuyến mãi trả cho khách. Nếu khách quên không lấy thì bọn em được, đem đi bán lại. Tính ra cũng kiếm thêm được một khoản nhỏ để tiêu vặt. Tuy nhiên, nếu để chủ biết sẽ cho nghỉ việc ngay”, Lan nói.