Mánh khóe biến dầu ăn "bẩn" thành dầu ăn thương hiệu nổi tiếng
Cập nhật lúc: 08/07/2015, 07:43
Cập nhật lúc: 08/07/2015, 07:43
Những can dầu ăn cỡ lớn không nhãn mác bày la liệt trên vỉa hè; những người bán dầu ăn đứng rót dầu từ những can nhựa lớn sang các chai nhỏ khi có người hỏi mua; những xe máy chở các thùng dầu ăn đến giao cho các điểm bán hay cảnh mua bán chớp nhoáng những túi nilon chứa dầu ăn màu đục nhờ...
Đó là cảnh tượng hằng ngày diễn ra tại các chợ ở TP.HCM. Người bán chỉ việc bán, người mua cứ việc mua, tuyệt nhiên không có ai thắc mắc về những vấn đề liên quan đến loại dầu ăn "bẩn" không nguồn gốc. Theo quan sát, những người đến mua loại dầu ăn này đều là những người chuyên bán những mặt hàng ăn liên quan đến việc chiên, xào nên cần nhiều dầu ăn.
Được xem là chợ bán, phân phối dầu ăn lớn nhất thành phố, Chợ Lớn (quận 5, TP.HCM) có nguyên một tuyến chuyên bán dầu ăn, đựng trong những can nhựa lớn. Để được tận mắt chứng kiến cảnh mua bán dầu ăn số lượng lớn, PV tìm đến chợ này tìm hiểu.
Để không mất thời gian cho việc tìm kiếm "phường" bán dầu ăn, PV hỏi thăm các tiểu thương trong chợ. Câu trả lời mà PV nhận được lại là một câu hỏi: "Mua dầu rẻ hay dầu chai?".
Nhanh chóng tìm được đến nơi bán dầu ăn, trước mắt PV là những can nhựa loại 30 lít bày bán tràn lan. Bên cạnh những can lớn không ghi nhãn mác, là những can nhỏ được chiết sẵn để bán nhanh cho những người có nhu cầu.
Theo nhiều tiểu thương, dầu ăn rẻ là loại dầu tái chế từ các loại thực phẩm mỡ động vật hoặc dầu thải của các khách sạn, nhà hàng lớn được tái chế lại. Dầu sản xuất tại cơ sở tư nhân, đóng vào can cho dễ vận chuyển.
Khác với dầu ăn chính hãng khác, loại dầu ăn giá rẻ này có màu vàng sậm, đặc và mùi ngậy hơn. Mỗi lít được bán với giá 22.000 đồng, tức rẻ hơn gần phân nửa những loại dầu ăn thương hiệu bán trên thị trường hiện nay.
Hỏi những người bán hàng tại Chợ Lớn được biết, dầu không có nhãn mác, giá rẻ là vì họ không tính phí vận chuyển, sản xuất đóng gói chai và đặc biệt là không có thuế. Tuy nhiên, đó chỉ là những cách chống chế, còn trên thực tế đây là loại dầu tái chế, với nguồn thu mua vào ban đầu khoảng 7.000 - 9.000 đồng/lít, trừ chi phí tái chế và trung gian, người bán vẫn có lãi lớn.
Theo sự tiết lộ của nhiều tiểu thương tại Chợ Lớn, PV tìm đến các chợ nhỏ hơn trên địa bàn để ghi nhận sự việc. Tại chợ tạm nằm dưới chân cầu ông Lãnh (quận 1, TP.HCM), nhiều loại dầu ăn được bày bán ngay trên vỉa hè. Điều đặc biệt là dầu ăn được chứa trong những túi nilon, dung lượng từ 0,5 - 1 lít.
Giá bán lẻ mỗi lít là 24.000 đồng, trên những túi nilon đựng dầu ăn, tuyệt nhiên không thấy nhãn mác của công ty nào. Đứng quan sát tại đây khoảng 20 phút, PV ghi nhận có hàng chục người đến mua, người mua chỉ cần ngồi trên xe ra hiệu, nhân viên bán hàng sẽ giao hàng và thu tiền tận nơi cho khách.
Nhiều người đến mua dầu ăn rẻ khi được hỏi đều cho hay, 24.000 đồng/lít là giá bán lẻ, nếu mua nhiều thì giá chỉ còn khoảng 20.000 thôi, mua số lượng lớn để về bán lại thì còn rẻ nữa.
Có một điểm chung là tất cả những điểm bán dầu ăn giá rẻ này đều không quan tâm nguồn hàng được lấy từ đâu, và có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng hay không. Họ chỉ biết rằng, dầu ăn giá rẻ được sản xuất tại cáccơ sở tư nhân ở huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, quận 12 (TP.HCM)... Khách hàng của họ chủ yếu là những cửa hàng ăn uống, quán nhậu, người bán đồ chiên, xào vỉa hè...
Ngoài Chợ Lớn (quận 5), chợ tự phát cầu ông Lãnh (quận 1), thì tại chợ tự phát đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), chợ Tam Bình (quận Thủ Đức), chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ An Đông (quận 5) cũng bán khá nhiều sản phẩm này.
Tại chợ tự phát đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), một chủ cửa hàng ở đây mời chào mua loại dầu ăn đựng trong can 10 lít có gắn nhãn của thương hiệu lớn giá 220.000 đồng/lít. Nhìn qua, dầu này vẫn có màu nâu đục không giống các loại dầu thực vật ngoài thị trường.
Thắc mắc về điều này, chủ cửa hàng tên G. cho biết: "Hàng giá rẻ nhưng chất lượng cao, màu dầu không được đẹp vì đây là loại dầu của một thương hiệu lớn".
Tuy nhiên, quan sát trên thùng chẳng thấy có nhãn hiệu nào, nên PV tiếp tục thắc mắc thì chủ hàng gắt: "Hàng này tốt rồi, ai cũng mua về dùng cả. Nếu thấy không yên tâm thì khỏi mua, đi đi cho tôi bán hàng".
Theo tìm hiểu của PV, hiện trên thị trường có không ít đầu mối chuyên đứng ra thu mua các loại dầu thải từ các nhà hàng, quán ăn. Theo những đầu mối thu gom, họ cung cấp nguồn dầu thải thu được cho các đơn vị sản xuất thức ăn gia súc hoặc dầu diezen sinh học.
Tuy nhiên, chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho biết, không ít cơ sở tư nhân mua dầu ăn đã qua sử dụng về để tái chế, rồi đóng can bán ra thị trường.
"Nếu là dầu nhập khẩu, hoặc được sản xuất trên công nghệ hiện đại, hợp vệ sinh, chất lượng bảo đảm thì không thể rẻ được như các loại dầu ăn đựng trong các can lớn bán tại các chợ như hiện nay.
Do đó, đây có thể là những loại dầu được tái chế của các cơ sở tư nhân. Cũng không loại trừ một nguồn hàng là dầu thải của một số doanh nghiệp đứng ra thu mua, được bán cho các cơ sở này", một chủ cơ sở tiết lộ.
Những can nhựa đựng dầu ăn của các hãng được các chủ cửa hàng tận dụng để đựng dầu ăn tái chế. Tại quyết định số 3339/2001/QĐ-BYT ghi rõ: "Bao bì bằng chất dẻo chứa đựng dầu, mỡ và sữa lưu thông trên thị trường chỉ được sử dụng một lần". Trên thực tế, can, thùng của các hãng dầu ăn có uy tín được thải ra sau khi sử dụng, vẫn được các chủvựa ve chai, hoặc một số cơ sởkinh doanh mua đi bán lại cho các cơ sở kinh doanh dầu nhỏ lẻ.
Tại Chợ Lớn, thùng can được thải ra sau một lần sử dụng của các nhãn hiệu Tường An, Voca, Marvella... được ưa chuộng và tận dụng để sang chiết dầu ăn nhập khẩu chưa qua tinh luyện, bán với giá rẻ cho người có nhu cầu.
Sự cố tình gây hiểu nhầm này, mục đích để tiểu thương đánh lừa người mua, và thoải mái "nổ" về chất lượng dầu ăn mình đang bán, mà khách hàng không thắc mắc hoặc nghi ngờ gì.
Với số lượng lớn dầu ăn được bán ra hàng ngày, len lỏi vào mọi quán ăn vỉa hè, các gánh hàng rong bao vây các trường học, bệnh viện, công viên...thử hỏi mỗi ngày có bao nhiêu người đang phải ăn dầu bẩn mà không biết.
Các chuyên gia y tế, sức khỏe đều khuyến cáo nguy cơ gây ung thư nếu sử dụng loại dầu ăn tái chế. Các cơ quan chức năng thì không thấy đâu, khi hằng ngày các tiểu thương đều bày bán công khai loại dầu ăn bẩn giá rẻ này./.
Hỗn loạn vì bị bỏ ngỏ Không thấy cơ quan quản lý nào "hỏi thăm", các tiểu thương công khai bày bán các loại dầu ăn không nhãn mác, nguồn gốc. Người có nhu cầu dễ mua và người bán cũng không cần tránh né. Giá cả và chất lượng được người bán thoải mái đưa ra, như họ đang bán những loại dầu ăn thương hiệu vậy. Dầu ăn "bẩn" đang đầu độc người tiêu dùng Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết: “Thời gian qua, dầu ăn "bẩn" thực sự là một vấn nạn của thị trường. Dầu ăn "bẩn" khi sử dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, dầu ăn "bẩn" là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Do đó, người tiêu dùng cần cảnh giác khi sử dụng loại dầu ăn này". |