“Mâm cơm tri ân” - nét văn hoá mới trong Lễ hội Đền Hùng 2019
Cập nhật lúc: 15/04/2019, 03:30
Cập nhật lúc: 15/04/2019, 03:30
Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2019 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 8 đến ngày 10-3. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao diễn xướng, trưng bày, triển lãm đã được tổ chức từ ngày 1-3 âm lịch tại khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì.
Giỗ tổ Hùng Vương năm 2019 có nhiều nét mới, trong đó một điểm nhấn mới đáng được ghi nhận đó là Tỉnh Phú Thọ có chủ trương vận động mỗi gia đình có một “mâm cơm tri ân” do gia đình tự chuẩn bị.
Người dân về dự giỗ Tổ Hùng Vương 2019 |
Phó chủ tịch UBND Tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng thông tin tới báo chí trong buổi họp báo chiều 13-4: “Mâm cơm tri ân” tại gia là một nét mới trong công tác tổ chức lễ hội Đền Hùng năm nay.
“Người dân của Phú Thọ ngay gần đền Hùng đây rồi, vì thế năm nay tỉnh vận động mỗi gia đình tự làm một mâm cơm tri ân đức Vua Hùng. Còn du khách thập phương từ xa đến, cả năm mới có một ngày như thế này. Người dân Phú Thọ nên nhường một chút cho các du khách cùng được về dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng”.
Phó chủ tịch UBND Tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng chia sẻ tại buổi họp báo |
Để việc tổ chức “Mâm cơm tri ân công đức các Vua Hùng” tạo sự lan tỏa, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì xây dựng nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn tỉnh tự tổ chức mâm cỗ đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm và thành kính dâng hương tại gia để tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên chung của dân tộc vào ngày 10/3 âm lịch. Ủy ban MTTQ các huyện, thành, thị và các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan liên quan chỉ đạo, vận động, hướng dẫn tổ chức cũng như đoàn viên, hội viên của mình thực hiện “Mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng” tại gia đình, tạo thành hiệu ứng xã hội nhằm tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.
Đồng thời các địa phương trong tỉnh - nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương cũng đồng loạt tổ chức dâng hương cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh theo nghi lễ truyền thống.
Việc thờ cúng Vua Hùng tại các gia đình người Việt nói chung, người dân Đất Tổ nói riêng chính là sự tiếp nối truyền thống “Ăn quả nhớ người trồng cây” thể hiện lòng biết ơn các vị Thủy tổ, mong các ngài phù hộ cho quốc thái dân an, vật thịnh, mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Lễ hội đền Hùng cũng quyết tâm tiếp tục giữ mục tiêu “5 không” tại Lễ hội, đó là: Không có người ăn xin, ăn mày; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả, dịch vụ mang tính "chặt chém"; không có những hành vi phản cảm trong lễ hội và không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội và các khu vực công cộng khác tại Đền Hùng.
01:47, 14/04/2019
14:01, 13/04/2019
09:00, 12/04/2019